Quế và hồi Việt có những cơ hội phát triển về xuất khẩu mạnh mẽ vào 2022

11:40 22/12/2021

Quế và hồi là những mặt hàng mà Việt Nam đang đứng ở những vị trí rất cao trên thế giới về sản lượng sản xuất hàng năm. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn cần thay đổi nhiều điều để tận dụng những cơ hội xuất khẩu một cách tối đa đặc biệt là trong năm 2022 sắp tới sang các thị trường lớn như EU hay Hoa Kỳ.

Mặt hàng quế Pháp
Mặt hàng quế Pháp. (Ảnh: Ouino Languages)

Cụ thể, Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về sản lượng sản xuất quế và đứng thứ 2 sau Trung Quốc về sản lượng sản xuất hồi. Đề cập tới mặt hàng quế hồi thì chúng được tiêu thụ mạnh ở các thị trường bao gồm Ấn Độ, Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước châu Âu đạt doanh thu xuất khẩu khoảng 400 triệu USD/năm. Thêm vào đó, các nước có ngành công nghiệp chế biến phát triển sử dụng quế và hồi là nguyên liệu chính trong sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm. Cơ hội mở ra cho quế hồi Việt Nam là tương đối lớn khi kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm này còn tương đối khiêm tốn. Dù vậy chúng ta đang có hơn 200.000 ha rừng quế và hồi hiện đang là sinh kế bền vững cho hơn 200.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa cùng với hiện trạng thị trường nội địa hiện nay cầu lớn hơn cung - có lợi cho sản xuất và xuất khẩu. 

Mặt khác, sản xuất và xuất khẩu quế hồi đang gặp 1 số khó khăn lớn bao gồm việc bà con nông dân vẫn canh tác theo tập quán cũ nên chưa chú trọng đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất dẫn đến chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường lớn là chưa cao. Cùng với đó, 70% giống quế, hồi do người dân tự sản xuất theo kinh nghiệm, vì vậy chất lượng giống không đảm bảo và chỉ có khoảng 30% lượng giống được cung cấp bởi các công ty nông nghiệp hoặc dự án trồng mới của chính quyền địa phương. 

Hiện tại, chúng ta có hơn 600 công ty hoạt động trong lĩnh vực gia vị. Nhưng phần lớn trong số đó là các công ty thương mại chỉ quan tâm đến việc mua bán mà không quan tâm đến việc xây dựng mối liên kết với người nông dân trồng nguyên liệu. Bên cạnh đó, đa số các đơn vị hoạt động theo mô hình gia đình, sản xuất nhỏ, chưa có sự gắn kết và chia sẻ thông tin với nhau, nhiều trường hợp còn cạnh tranh không lành mạnh làm yếu đi sức cạnh tranh của ngành quế hồi Việt Nam nói chung. Cuối cùng, phần lớn các doanh nghiệp trong ngành quế, hồi là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính cũng như khoa học kỹ thuật còn hạn chế. 

Ở thị trường quốc tế, giá quế xuất khẩu trung bình khoảng 4 USD/kg - khá cao so với các nước sản xuất và xuất khẩu mạnh khác. Bên cạnh đó các vấn đề khác mà quế Việt đang phải đối mặt bao gồm chuỗi cung ứng chưa được tổ chức chặt chẽ; năng lực tiếp thị và hiểu biết thị trường còn thiếu hụt.

Giới chuyên môn cho biết để doanh nghiệp xuất khẩu Việt tận dụng được những thuận lợi có sẵn thì chúng ta cần tập trung sản xuất nguyên liệu có giá trị cao, có chứng nhận theo chuẩn kỹ thuật quốc tế, chất lượng đảm bảo, ổn định. Thêm vào đó, chúng ta cần kiểm soát chuỗi cung ứng cũng như nâng cao sản lượng xuất khẩu đi EU, Bắc Mỹ.

Cuối cùng, việc thành lập Hiệp hội Quế hồi Việt Nam là một điều thực sự cần thiết để đảm bảo quyền lợi cũng như chia sẻ thông tin thị trường và định hướng phát triển cho các đơn vị thành viên. 

Đỗ Nhung