Tại xã biên giới Tân Thành, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) mặc dù thế mạnh về kinh tế nông nghiệp không bằng thương mại dịch vụ, nhưng trong những năm gần đây, một số hộ nông dân địa phương đã tích cực nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng thành công các mô hình kinh tế trồng trọt và chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Anh Đặng Hổ Tín, người phát triển mô hình kinh tế gia trại tổng hợp từ vườn đồi, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn An Tiêm, chia sẻ: “Qua triển khai thí điểm, tôi nhận thấy các loại cây trồng mới này phù hợp với thời tiết và chất đất, phát triển thuận lợi và cho kết quả khả quan hơn, đảm bảo ngày nào gia đình tôi cũng có thu nhập từ trang trại. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục cải tạo đất đồi để mở rộng trang trại, nhân rộng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như mãng cầu, mít, xoài giống Thái Lan và xây dựng thêm chuồng trại chăn nuôi bò, dê”.
Từ hiệu quả mô hình kinh tế của gia đình, anh Tín tích cực tuyên truyền, vận động và chia sẻ kinh nghiệm với hội viên nông dân trong thôn, khuyến khích họ hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp và được thị trường ưa chuộng. Anh cũng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để trồng trọt, chăn nuôi cho năng suất và chất lượng cao hơn. Noi gương anh, nhiều hội viên nông dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, tạo thu nhập ổn định cho gia đình.
Tại thôn Nam Chánh, xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng, Quảng Trị), khu vườn mẫu của gia đình ông Lê Quang Thạnh mang đến cảm giác như một tiểu khu sinh thái với hàng cau tứ quý cao vút dọc theo con đường bê tông dẫn vào sân nhà. Hai bên nhà là các khu vườn được quy hoạch trồng nhiều loại cây ăn quả và hoa, cây cảnh, tất cả được phân khu gọn gàng, đẹp mắt, lối đi sạch sẽ. Ông Thạnh chia sẻ: “Trước đây, vườn chúng tôi trồng các loại cây tạp nên hiệu quả thu nhập không cao. Sau khi được tuyên truyền về cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, toàn bộ cây tạp đã được phá bỏ, quy hoạch lại để trồng các loại cây ăn quả như vải, bưởi, mít, na, đào và các loại cây cảnh. Gần 10 năm quy hoạch, đến nay gia đình tôi có 200 gốc cam sành, cam Vinh, bưởi da xanh, bưởi diễn trên diện tích hơn 500 m² đem lại thu nhập hơn 30 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình tôi còn nuôi hơn 100 con gà đồi để tăng thêm thu nhập”.
Tuy nhiên, theo các tiêu chí để được công nhận chuẩn vườn mẫu, khu vườn của gia đình ông Thạnh vẫn chưa đạt. Ông Thạnh tâm sự: “Nếu được Nhà nước hỗ trợ vốn, gia đình tôi quyết tâm tiếp tục đầu tư để đạt các tiêu chí của vườn mẫu. Tôi sẽ chia khu vườn thành 4 khu, giữa có đường đi lối lại bằng gạch lát, đảm bảo trục đường chính rộng 1,2 m, đường phụ rộng gần 1 m, dọc 2 bên đường đặt chậu hoa, cây cảnh. Toàn bộ khu vườn sẽ được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng và tưới nước nhỏ giọt để chăm sóc cây thuận tiện và hiệu quả hơn. Tôi cũng sẽ cải tạo một số diện tích thành ao thả cá và chăn nuôi gia cầm để tăng thu nhập và tạo cảnh quan cho khu vườn”.
Ông Lê Quang Thạnh (thôn Nam Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) thu hoạch bưởi trong vườn mẫu. |
“Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng vườn mẫu, xã Hải Chánh luôn quan tâm tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng vườn mẫu. Mục tiêu cụ thể là mỗi năm vận động xây dựng thêm khoảng 2 vườn mẫu. Tuy trên địa bàn xã chưa có vườn mẫu đạt tiêu chí theo quy định, nhưng phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu đã được Nhân dân hưởng ứng và bước đầu đem lại nguồn thu nhập cho hộ gia đình, tạo diện mạo nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp” - Chủ tịch UBND xã Hải Chánh (Hải Lăng, Quảng Trị), ông Bùi Văn Sinh thông tin thêm.
Trên thực tế, vườn mẫu là mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Với mức đầu tư không lớn, đây là mô hình có tính khả thi cao, là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đời sống vật chất và giá trị hưởng thụ tinh thần của người dân nông thôn. Việc triển khai xây dựng và nhân rộng các vườn mẫu còn góp phần vào việc thực hiện, nâng cao một số chỉ tiêu của tiêu chí môi trường, thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất trong chương trình xây dựng NTM. Việc xây dựng vườn mẫu cũng giúp người dân các vùng nông thôn thay đổi nhận thức, hành động, hình thành nếp lao động có khoa học, sử dụng quỹ đất hiệu quả hơn, nâng cao ý thức về giữ gìn vệ sinh và bảo vệ cảnh quan môi trường sống.