Sau 27 năm hình thành và phát triển, Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) đã nộp ngân sách về Trung ương khoảng 175 nghìn tỉ đồng, được ví như “con gà đẻ trứng vàng”, chiếm 80-90% tổng nguồn thu ngân sách hàng năm của tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực, như: Lọc hoá dầu, Thép, Giấy và công nghiệp nặng. Dung Quất hiện đang trở mình thu hút thêm các nhà đầu tư mới về đầu tư về lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, hạ tầng, cảng biển…
Khu kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi thu hút gần 200 dự án đầu tư với hơn 16 tỷ USD |
Đây cũng là khu vực mang lại nguồn thu ngân sách rất lớn cho tỉnh. Theo thống kê của UBND tỉnh, trong 4 năm qua (2021 - 2024), tổng thu ngân sách của tỉnh khoảng 118 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa gần 77 nghìn tỷ đồng. Nhưng chỉ tính riêng số thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khoảng 47 nghìn tỷ đồng.
Với lợi thế có cảng biển nước sâu, KKT Dung Quất có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư. Hiện tại, khu vực cảng biển Dung Quất có cảng xuất hàng hóa PTSC của Công ty CP Dịch vụ dầu khí Quảng Ngãi và các cảng biển chuyên dụng, gắn liền với dự án sản xuất, kinh doanh trong khu vực như: Cảng tổng hợp Hào Hưng, cảng xuất sản phẩm của NMLD Dung Quất, cảng tổng hợp container Hòa Phát Dung Quất.
Ngoài ra, ở khu vực cảng Dung Quất còn có cửa ra vào ụ tàu của Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, phục vụ lai dắt tàu ra vào để sửa chữa, đóng mới tàu biển. Các cảng biển này đang được các doanh nghiệp khai thác hiệu quả, đang tiếp tục nâng cấp, mở rộng để đáp ứng nhu cầu vận tải của doanh nghiệp trong và ngoài KKT Dung Quất.
Với lợi thế có cảng biển nước sâu, KKT Dung Quất có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư. |
Mới đây, tỉnh Quảng Ngãi đã thu hút 2 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng, gồm: Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) VSIP II Quảng Ngãi (giai đoạn 1), quy mô khoảng 498ha sẽ khởi công trong năm 2025; Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phát Đạt - Dung Quất 2, quy mô gần 449ha. Sau khi hoàn thành các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng này sẽ thu hút các dự án thứ cấp vào đầu tư, kinh doanh tại KKT Dung Quất.
Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Trần Văn Mẫn cho biết: Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (còn gọi là Quy hoạch điện VIII), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg, ngày 15/5/2023), KKT Dung Quất có Dự án Nhà máy điện gió xung quanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất, do Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn đăng ký đầu tư, công suất khoảng 50MW, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng; tổng diện tích đất sử dụng khoảng 16,8ha; thời gian đề xuất thực hiện từ năm 2025 đến năm 2027. Hiện Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất đã và đang nghiên cứu sản xuất chân đế, trụ gió phục vụ nhà đầu tư khi phát triển điện gió ở vùng biển Dung Quất.
Ông Mẫn cho biết thêm, trong những năm qua, Quảng Ngãi luôn tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp, thương mại, đầu tư kinh doanh hạ tầng vào KKT Dung Quất. Đến nay, KKT Dung Quất thu hút được 199 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 354 nghìn tỷ đồng (16,455 tỷ USD), trong đó có nhiều dự án lớn, chất lượng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Như dự án Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Trong năm 2024, Quảng Ngãi tập trung triển khai Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045, nhất là việc lập 11 đồ án phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 trong KKT Dung Quất. Ngoài ra, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đang kiên quyết thu hồi các dự án có vi phạm quy định về đầu tư, giải phóng nguồn lực đất đai bị “treo” nhiều năm, tạo cơ hội cho nhà đầu tư mới.