Âm thanh của cồng chiêng, từ bao đời nay, đã gắn liền với văn hóa và đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc nơi đây.
Âm thanh tiếng cồng chiêng trong lễ hội mừng lúa mới của bà con dân tộc S'tiêng ở Thiên Cư, xã Thiện Hưng, huyện biên giới Bù Đốp (Bình Phước). Ảnh: TTX |
Không quá khó để bắt gặp những khung cảnh dân dã: người già, trẻ nhỏ tụ hội bên nhau, giơ cao những chiếc chiêng, cồng (mà người bản địa hay gọi “chiêng” là “chinh”, “cồng” là “goong”), nhẹ nhàng gõ, tạo nên nhịp điệu trầm hùng, sâu lắng.
Ấy thế mà, nhìn lại lịch sử, Bình Phước từng là vùng đất gian khó, chiến trường ác liệt trong kháng chiến. Tuy nhiên, như những nhịp chiêng cồng được gọt giũa từ thanh gỗ, thanh đồng, thời gian và bàn tay con người đã dần làm cho vùng đất này ngân lên những thanh âm mới mẻ hơn.
Giữa bức tranh phát triển ngày nay, ta thấy một Bình Phước đã và đang chuyển mình. Những tiếng chiêng, cồng không chỉ còn vang lên trong các lễ hội truyền thống, mà giờ đây, đó còn là biểu tượng văn hóa, là bệ phóng tinh thần để địa phương bước vào cuộc chơi toàn cầu.
Bình Phước bắt đầu tạo dựng một “bức tranh tương lai” rõ nét: quy hoạch công nghiệp gắn liền với đô thị, nông nghiệp kết nối với du lịch, hạ tầng kỹ thuật song hành với hạ tầng xã hội. |
Với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của Bình Phước đạt 9%, kinh tế số chiếm 30% GRDP. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 7%/năm và tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%. Bình Phước đang ngày càng khẳng định tiềm năng về kinh tế xã hội “chinh phục” những nhà đầu tư lớn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh, lễ công bố Quy hoạch tổng thể thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Quan điểm của Bình Phước, quy hoạch phải đi trước 1 bước. Thời gian qua cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Phước đã dành nhiều tâm huyết, đồng tâm hiệp lực đóng góp xây dựng bản quy hoạch đảm bảo tích hợp toàn diện tiềm năng thế mạnh địa phương. Bản quy hoạch đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ toàn diện hài hòa các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh với tầm nhìn chiến lược, bền vững, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ, sẵn sàng cho bước phát triển mới của địa phương.
Trong câu chuyện thu hút đầu tư, không thể thiếu yếu tố cộng đồng địa phương. Dòng vốn FDI đổ về sẽ thay đổi cơ cấu lao động, nếp sống, thậm chí tác động đến môi trường tự nhiên. Bài toán khó đặt ra: làm sao để vừa hấp dẫn nhà đầu tư, vừa bảo tồn văn hóa, vừa giữ gìn môi trường cho cộng đồng dân cư?
Bình Phước lựa chọn cách tiếp cận hài hòa: tiếng chiêng, cồng vẫn được nâng niu trong các lễ hội, được quảng bá du lịch. Các dự án công nghiệp mới phải tuân thủ quy định về môi trường, hướng đến sử dụng công nghệ sạch. Công nhân địa phương được đào tạo, nâng cao tay nghề. Chính sự đồng lòng của chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tạo nên bức tranh phát triển bền vững.
Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, Bình Phước không đặt mục tiêu phát triển nóng, mà hướng tới sự bền vững, lâu dài. Vốn FDI chất lượng sẽ tạo giá trị gia tăng cao, công nghệ tiến bộ, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và trình độ dân cư. Từ đó, những thanh âm chiêng, cồng trầm hùng nơi cao nguyên Bình Phước sẽ không chỉ gợi nhắc vẻ đẹp truyền thống, mà còn song hành cùng nhịp điệu hiện đại.