Tại buổi họp báo do bà Trần Tuyết Minh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, các nội dung cốt lõi của bản quy hoạch đã được công bố. Quy hoạch này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg (24/11/2023) và được điều chỉnh bởi Quyết định số 1259/QĐ-TTg (24/10/2024).
Họp báo công bố quy hoạch Bình Phước theo mục tiêu phát triển bền vững và hiệu quả. |
Theo bản quy hoạch, Bình Phước đặt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững vào năm 2030. Địa phương này kỳ vọng sẽ trở thành "điểm đến hấp dẫn" của vùng Đông Nam Bộ với các chỉ tiêu phát triển ấn tượng.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9%, kinh tế số chiếm 30% GRDP, GRDP bình quân đầu người đạt 180 triệu đồng, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 7%/năm và tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%.
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí trong việc truyền tải thông tin quy hoạch đến các tầng lớp xã hội, đồng thời kêu gọi sự đồng hành của cộng đồng báo chí trong việc quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư cho tỉnh.
Về chỉ tiêu tài chính, tỉnh phấn đấu đạt thu ngân sách 30.000 tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu 8-9 tỷ USD vào năm 2030. Song song với phát triển kinh tế, Bình Phước cũng đặt mục tiêu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%.
Ông Đặng Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Becamex Bình Phước cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành quyết định thành lập 7 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 380 ha. Hiện nay, đơn vị đang phối hợp UBND thị xã Chơn Thành triển khai công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển. Bên cạnh đó, công ty sẽ tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước để thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần vào sự phát triển tỉnh Bình Phước.
Ông Đặng Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Becamex Bình Phước. |
Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh xác định ba đột phá chiến lược. Thứ nhất là phát triển hạ tầng trọng điểm với các dự án như cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành và sân bay chuyên dùng Hớn Quản. Thứ hai là tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ cùng với nông nghiệp công nghệ cao tập trung vào các sản phẩm chủ lực như cao su, điều, hồ tiêu và cây ăn trái. Thứ ba là đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hiện đại hóa nền hành chính.
Với những định hướng phát triển toàn diện này, Bình Phước kỳ vọng sẽ trở thành "điểm đến hấp dẫn" của vùng Đông Nam Bộ, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong thập kỷ tới.