Vừa qua, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) kỷ niệm 60 năm Chiến Thắng Bình Giã, với trận chiến lịch sử vẻ vang góp phần đem lại thắng lợi toàn Đảng, toàn quân Việt Nam. Kế tục sự nghiệp lịch sử oai hùng, Đảng bộ và Chính quyền, nhân dân huyện Châu Đức như được tiếp thêm sức mạnh. Năm 2024, huyện đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kinh tế đặt ra. Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Tấn Bản – Chủ tịch UBND huyện Châu Đức về những thành tựu phát triển kinh tế của địa phương dựa trên yếu tố gìn giữ các giá trị lịch sử.
|
Theo quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Châu Đức sẽ là địa phương có sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế mạnh mẽ. Vậy huyện sẽ tập trung vào các lĩnh vực nào để phù hợp với trục động lực kinh tế Bà Rịa – Vũng Tàu, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Bản: Qua 30 năm thành lập và phát triển với tiềm năng, thế mạnh của địa phương về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thiên nhiên ban tặng, quy hoạch của Châu Đức sẽ phù hợp cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và du lịch.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện quan tâm đến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản từng bước được định hình theo chuỗi giá trị; tăng cường chuyển giao công nghệ, tăng giá trị sản xuất trên cùng diện tích canh tác, qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Cơ cấu nông nghiệp của huyện đã có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 46%. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trên địa bàn huyện bình quân đạt 3,9%/năm. Với diện tích đất nông nghiệp hơn 34.000 ha, bình quân giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích hiện nay khoảng 165 triệu đồng/ha (tính theo giá hiện hành). Hiện toàn huyện có 4.562ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Huyện đã huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; phát huy trách nhiệm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vai trò chủ thể của người dân, tạo phong trào mạnh mẽ và sâu rộng trong toàn huyện. Năm 2022, huyện Châu Đức đã được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 11/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 04 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Với Chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm OCOP”, huyện đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tham gia chương trình với mục tiêu nâng tầm vị thế nông sản Châu Đức, mở rộng thị trường trong nước, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài. Đến nay, toàn huyện có 43 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 24 sản phẩm 4 sao và 19 sản phẩm 3 sao.
Trong lĩnh vực công nghiệp, theo quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Châu Đức sẽ là địa phương có sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế mạnh mẽ nhất, trở thành địa phương có diện tích khu công nghiệp tập trung lớn nhất tỉnh, nằm trên 2/3 trục động lực kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cụ thể, hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích 3.154ha, trong đó, khu công nghiệp Đá Bạc và Cụm công nghiệp Ngãi Giao đã lấp đầy 100%, tỷ lệ lấp đầy của Khu công nghiệp Sonadezi gần 52%. Việc hình thành các khu, cụm công nghiệp không chỉ tạo đà để huyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mà còn giúp 17.275 người dân có việc làm ổn định, trong đó có hơn 10.000 lao động là người địa phương.
Trong lĩnh vực du lịch, huyện không có nhiều lợi thế về thiên nhiên để phát triển du lịch như các địa phương khác, nhưng với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền huyện và sự ủng hộ của nhân dân và các doanh nghiệp, Đảng bộ huyện đã mạnh dạn đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển du lịch và UBND huyện đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch để triển khai.Theo đó, huyện quan tâm đến phát triển du lịch gắn liền với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử; du lịch gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường du lịch, xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện và mến khách... Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành được nhiều điểm đến tham quan du lịch được du khách chọn lựa như: Đất Rồng Đinh Gia Trang; Suối Rao Ecolodge; Suối Rao Forest; The Sapphire Garden; Charm Village; Bull Arena; HTC Nông nghiệp Thủy sản Suối Giàu; Binon Cacao...
Đặc biết, chúng tôi rất tự hào vì có một điểm du lịch được trao chứng nhận điểm đến trung hòa Carbon, đó là Suối Rao Ecolodge vừa được Viện nghiên cứu Ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp (3AI) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu công bố vào ngày 8/9/2024. Và đây cũng là điểm đến đầu tiên trung hòa carbon của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Sự kiện này đã đánh dấu huyện Châu Đức có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam và cũng được nhiều đoàn khách nước ngoài quan tâm.
Như ông nói, do Châu Đức không có nhiều ưu đãi về các điểm du lịch nhưng người dân địa phương đã biết biến những lợi thế về suối, rừng khai thác du lịch sinh thái và một điểm nữa là du lịch tâm linh, lịch sử, cụ thể là khu di tích Chiến thắng Bình Giã đã được huyện khai thác như thế nào để thu hút khách du lịch, thúc đẩy kinh tế địa phương, thưa ông?
Một trong những di tích lịch sử của địa phương được khách du lịch ghé thăm khi về Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Ông Nguyễn Tấn Bản: Khu di tích chiến thắng Bình Giã là một trong các di tích trên địa bàn huyện được khách du lịch quan tâm, đến tham quan, tìm hiểu. Năm nay kỷ niệm 60 năm chiến thắng Bình Giã (1964-2024), vì vậy càng có nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Chúng tôi đã đưa di tích vào một trong những điểm đến trong chương trình tour/tuyến du lịch của huyện, đồng thời đề xuất Sở Du lịch, Hiệp hội du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh đưa di tích vào chương trình tour/tuyến du lịch của tỉnh để quảng bá. Nhờ vậy những từ khóa “Di tích/tượng đài chiến thắng Bình Giã” ngày càng xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các trang mạng xã hội, qua đó góp phần thu hút khách tham quan, nghiên cứu, học tập về di tích ngày càng nhiều. Đây cũng là mục tiêu của Nghị quyết của Đảng bộ huyện và Kế hoạch phát triển du lịch của UBND huyện đã đề ra.
Mặt khác chúng tôi phải tăng cường và nâng cao hiệu quả của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, nhằm giáo dục truyền thống và phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đồng thời, tuyên truyền nhằm chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, đô thị hoá.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động di sản văn hóa theo địa bàn quản lý; hoạt động xây dựng các dự án, công trình nằm ngoài di tích nhưng có khả năng ảnh hưởng đến di tích; tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong di tích; không trưng bày, sử dụng, cung tiến, biểu tượng, sản phẩm, linh vật và vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam...
Năm 2024, huyện Châu Đức đã đạt được nhiều con số khả quan. Theo ông, để có được điều này thì Đảng bộ và Chính quyền và nhân dân Châu Đức đã có những hành động gì cụ thể ?
Khu Trung tâm thương mại thị trấn Ngãi Giao - huyện Châu Đức.. |
Ông Nguyễn Tấn Bản: Năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước biến động phức tạp, khó lường, song với sự lãnh đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Huyện ủy, HĐND huyện, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong huyện, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng trưởng cao hơn so với năm 2023, cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, kịp thời, quyết liệt của UBND huyện, Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội của huyện phát triển ổn định, duy trì đà tăng trưởng khá; tình hình thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tốt. UBND huyện tập trung nguồn lực thực hiện tốt 03 chương trình mục tiêu quốc gia; các khâu đột phá chuyển đổi số, cải cách hành chính. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân ổn định.
Bám sát các nhiệm vụ, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành huyện và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn kịp thời triển khai đồng bộ những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và đã hoàn thành đảm bảo tiến độ và yêu cầu. Các ngành kinh tế tốc độ tăng trưởng ổn định, giá các mặt hàng nông sản đều có xu hướng tăng, có lợi cho người dân, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của huyện được đảm bảo.
Cám ơn ông!