Thực hiện Nghị quyết số 34/2023/NQ-HĐND ngày 28/3/2023 của HĐND tỉnh Quảng Trị về chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình và cá nhân thuộc Chương trình bố trí, ổn định dân cư tại các vùng thiên tai, biên giới, di cư tự do và khu rừng đặc dụng giai đoạn 2022 - 2025, ngành chức năng đã nỗ lực triển khai. Tuy nhiên, công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tính đến ngày 31/12/2024, toàn tỉnh đã nghiệm thu và chi trả hỗ trợ cho 13/28 hộ dân thuộc diện bố trí dân cư. Cụ thể, xã Cam Thành (huyện Cam Lộ) có 8/8 hộ dân đã làm nhà từ năm 2022 nhưng chưa nhận được hỗ trợ, xã Tân Long (huyện Hướng Hóa) có 5/6 hộ dân, trong đó 1 hộ xen ghép và 4 hộ ổn định tại chỗ.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và PTNT, nhiều hộ dân có nhu cầu nhưng không muốn di chuyển đến vị trí mới do nhiều nguyên nhân như: nhiều hộ gia đình có kinh tế ổn định đã tự mua đất và xây nhà tại khu vực khác nên không đăng ký bố trí dân cư đến vùng tái định cư; sau thiên tai năm 2020 và dịch bệnh COVID-19, nhiều hộ muốn chuyển đến nơi ở mới nhưng gặp khó khăn về tài chính nên chưa đủ kinh phí làm nhà. Tại các vị trí sạt lở cần di dời, Nhà nước đã đầu tư kè chống sạt lở nên người dân có tâm lý chủ quan chưa chịu di dời; một số hộ dân mong muốn di dời đến nơi ở mới an toàn nhưng điều kiện để di chuyển nhà cửa rất khó khăn, vì đa phần các hộ có nhà cửa kiên cố và chắc chắn. Đối với người dân tộc thiểu số, phong tục, tập quán sinh sống và sản xuất quen thuộc bao đời nay nên việc vận động người dân bỏ nơi ở cũ di dời đến nơi ở mới cần nhiều thời gian. Một số hộ dân đã nhận đất nhưng chưa làm nhà ở, việc giao đất ở, đất vườn, đất sản xuất cho các hộ dân chưa được thực hiện.
Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác di dời, bố trí dân cư là nguồn gốc sử dụng đất của các hộ dân tại khu vực bị sạt lở có nhiều hình thức khác nhau (đất ở, đất đủ điều kiện cấp đất ở, đất đấu giá kinh doanh, đất cho, tặng...). Trên các diện tích hiện đang sử dụng có hộ làm nhà ở, làm quán kinh doanh hoặc vừa là quán vừa làm chỗ ở...
Bờ sông Thạch Hãn đoạn qua phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị bị sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN). |
Do đó, việc xác định đối tượng được hưởng chính sách gặp nhiều khó khăn, khó tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện. Đối với 14 hộ dân ở xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị (khu vực bị sạt lở vào tháng 10/2022), trong năm 2023 có 2 hộ đã được giao đất, 4 hộ chưa thực hiện; năm 2024 có 8 hộ chưa hoàn thành do đang gặp vướng mắc trong việc xác định đối tượng thụ hưởng.
Năm 2025, các ngành và địa phương sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân vùng nguy cơ di chuyển đến nơi ở mới an toàn. Đối với các hộ dân nằm trong vùng thiên tai có trong phương án di dời nhưng chưa di dời, UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ tiếp tục rà soát toàn diện mức độ nguy cơ để có kế hoạch di dời. Đối với các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ chưa có phương án di dời, cần khảo sát hiện trạng hộ dân sinh sống tại vùng nguy cơ, xem xét lập phương án và lộ trình sắp xếp dân cư.