Cầu Chợ – cây cầu bắc qua thượng nguồn sông Thai nối trung tâm xã Phú Trạch, tỉnh Quảng Trị (trước đây là xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch cũ, tỉnh Quảng Bình) đang hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng. Dù đã được cắm biển cấm xe ô tô nhưng mỗi ngày vẫn có hàng nghìn lượt người dân và học sinh qua lại, “nín thở” vượt cầu.
Được đưa vào sử dụng từ năm 1992, cầu Chợ dài 117 mét, rộng gần 5 mét. Kết cấu gồm hai trụ bê tông cốt thép ở hai đầu và 10 trụ giữa được xây bằng đá, không gia cố bê tông hay cốt thép. Sau hơn 30 năm tồn tại, chịu đựng dòng nước lũ chảy xiết hằng năm cùng tác động của thời tiết, cây cầu giờ đây đang bị bào mòn nghiêm trọng, xuống cấp không thể sửa chữa.
![]() |
Hơn 30 năm tồn tại, cầu Chợ ở xã Phú Trạch (Quảng Trị) đang xuống cấp nghiêm trọng |
Hiện nay, nhiều trụ cầu chỉ còn trơ lõi đá, các lớp vữa bị cuốn trôi. Hai bên mố cầu bị xói mòn sâu, tạo thành những khoảng trống “há miệng” nguy hiểm. Nhiều đoạn lan can bong tróc, bê tông mục nát, lộ rõ phần sắt hoen gỉ. Dưới gầm cầu, dầm bê tông bị hở sắt, gãy nứt từng đoạn – cảnh báo nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
“Chúng tôi biết cây cầu đã quá nguy hiểm, nhưng không có lựa chọn nào khác. Đây là tuyến đường duy nhất để đi chợ, đưa con đi học, vận chuyển nông sản. Mỗi lần qua cầu là một lần thấp thỏm lo âu”, người dân sống gần cầu chia sẻ.
Trước thực trạng trên, chính quyền xã Phú Trạch đã cho cắm biển cấm xe ô tô các loại lưu thông, chỉ cho phép người đi bộ, xe máy và xe đạp qua cầu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Thắng – Bí thư Đảng ủy xã Phú Trạch, phương án sửa chữa cầu không còn khả thi vì kết cấu đã quá lạc hậu. Địa phương đã lập phương án xây cầu mới, với tổng kinh phí dự kiến hơn 60 tỷ đồng.
“Xã mới sáp nhập, tiềm lực ngân sách còn hạn chế, không đủ sức tự triển khai dự án lớn như thế. Chúng tôi đang kiến nghị cấp trên hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để xây dựng cầu mới, đảm bảo an toàn cho người dân, phục vụ đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn”, ông Thắng cho biết.
Trong bối cảnh phát triển hạ tầng giao thông nông thôn đang là một trong những trọng tâm chiến lược tại các địa phương sáp nhập sau điều chỉnh địa giới hành chính, việc đầu tư xây dựng cầu Chợ không chỉ là yêu cầu cấp thiết trước mắt mà còn là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững vùng thượng nguồn Quảng Trạch.