Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì họp Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững

00:00 12/10/2020

Chiều 14/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

VGP News :. | Phó Thủ tướng chủ trì họp Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền ...

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết từ năm 2016 đến năm 2019, ngân sách Trung ương đã bố trí 22.850 tỷ đồng để thực hiện một số chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, hỗ trợ y tế, đào tạo dạy nghề… Trong năm 2020, ngân sách Trung ương bố trí cho Chương trình 10.059 tỷ đồng.

Đến ngày 30/6/2020, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đối với 422.534 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng dư nợ 18.645 tỷ đồng.

Dự kiến, đến hết năm 2020, tỷ lệ nghèo sẽ giảm từ 3,75% (năm 2019) xuống dưới 3%, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5%/năm trong giai đoạn 2016-2020; tỷ lệ nghèo tại huyện nghèo giảm trên 4% so với năm 2019, đạt mục tiêu Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ giao. Hiện cả nước còn 8.464 hộ nghèo có thành viên là người có công, các địa phương phấn đấu đến hết năm 2020 không còn hộ nghèo thuộc diện này.

Tuy nhiên, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng nhận định mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm và vượt mục tiêu đề ra nhưng nhiều nơi còn cao trên 20%, có tỉnh miền núi còn trên 30%. Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc. Chênh lệch giàu – nghèo, khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản (y tế, giáo dục…), thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Một số cơ chế, chính sách đặc thù với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng vùng nên hiệu quả chưa cao.

Nguồn lực thực hiện chính sách giảm nghèo còn dàn trải, chưa tập trung hỗ trợ đủ mức để tạo chuyển biến thực sự đời sống người nghèo dân tộc thiểu số.

Các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, thiếu tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa vượt trội. Khoảng cách giữa các vùng kinh tế trọng điểm và vùng khó khăn chưa được thu hẹp, liên kết vùng còn yếu.

Nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã được Ban Chỉ đạo thảo luận.

 

Theo đó, các mục tiêu giảm nghèo phải được cụ thể hóa vào các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và cả giai đoạn ở các địa phương, có lộ trình, giải pháp, thực hiện phù hợp, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, tổng kết…

Các chính sách giảm nghèo cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện. Đồng thời, chúng ta cần đẩy mạnh phân cấp cho cấp xã, cộng đồng, người dân; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, huyện, đặc biệt là các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, chúng ta cần huy động vốn đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp; tạo cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh nhằm khai thác thế mạnh trên địa bàn huyện nghèo, vùng nghèo.

Tăng cường giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo ở tất cả các cấp, đặc biệt là cơ sở.

Nâng cao nhận thức, tính tự chủ, phát huy nội lực của cộng đồng và bản thân người nghèo, khuyến khích tự vươn lên thoát nghèo, thay vì trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của các bộ ngành, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ của Chương trình thời gian qua.

Từ nay đến cuối năm 2020, các bộ ngành cần khẩn trương phối hợp tổng kết thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững; sớm xây dựng, trình Thủ tướng ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025…

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc tại Bình Thuận 

Ngày 14/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc làm việc với các bộ, ngành và UBND tỉnh Bình Thuận để tháo gỡ các vướng mắc trong việc giải ngân đầu tư công tại địa phương. 

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ 3 nút thắt, điểm nghẽn ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận. 

Trong đó, hạn chế về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là điểm nghẽn lớn nhất, cản trở Bình Thuận vươn lên. Là địa phương thuộc vùng duỵên hải Nam Trung Bộ, có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển, nhưng Bình Thuận hiện gặp rất nhiều khó khăn về hạ tầng. Đường bộ chất lượng còn thấp, không đủ năng lực để nâng cao năng lực vận tải. Cảng hàng không Phan Thiết tuy đã được khởi công từ lâu nhưng chậm được triển khai vì còn nhiều vướng mắc về cơ chế, thủ tục. 

Thứ hai là nút thắt về quy hoạch. Theo Phó Thủ tướng, đây là nút thắt, vướng mắc vừa chủ quan, vừa khách quan của tỉnh Bình Thuận, từ đó hạn chế khả năng thu hút các nguồn lực đầu tư, không tạo ra được các sản phẩm, giá trị gia tăng thứ cấp trong quá trình đầu tư. Cũng do nút thắt về quy hoạch nên việc tái cấu trúc kinh tế, chuyển dịch kinh tế chưa thực hiện được do vướng quy hoạch. Trong đó, nhiều khu vực bị vướng quy hoạch khai thác titan, dự trữ khoáng sản nên không thể phát triển các dự án trên mặt. Trong khi đó, giá quặng titan trên thị trường hiện rất thấp, tồn kho lớn. Tại nhiều địa điểm quy hoạch titan có lợi thế rất lớn về du lịch, dịch vụ, nếu được đầu tư sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn nhiều so với khai thác titan. 

Bên cạnh đó, như nhiều địa phương khác, Bình Thuận hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn trong giải ngân đầu tư nói chung, đặc biệt là đầu tư công. Mặc dù tỉnh đã nỗ lực và có kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. 

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Bình Thuận phải trở thành động lực mới của duyên hải miền Trung; phải tháo gỡ các nút thắt nêu trên để thúc đẩy đầu tư phát triển, khai thác tiềm năng, lợi thế". 

Để thực hiện được mục tiêu đó, Phó Thủ tướng cho rằng, trước hết, tỉnh phải tập trung làm tốt công tác quy hoạch. 

"Phải đổi mới tư duy công tác lập và điều chỉnh quy hoạch. Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm kéo dài nhiều năm cũng chủ yếu do yếu kém của công tác kế hoạch hóa về đầu tư, triển khai các thủ tục, phân bổ vốn chậm hơn yêu cầu thực hiện. Nếu quy hoạch tốt, kế hoạch hóa đầu tư tốt, chúng ta không sợ giải ngân vốn đầu tư chậm" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Thuận triển khai lập Quy hoạch tỉnh một cách chặt chẽ, khoa học, bảo đảm nguyên tắc phù hợp giữa các quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó xác định rõ các công trình, dự  án ưu tiên để huy động nguồn vốn đầu tư.  

Về những kiến nghị của tỉnh Bình Thuận, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ cùng với tỉnh Bình Thuận để tháo gỡ những khó khăn liên quan đến cơ chế, thủ tục, bảo đảm giải ngân hết vốn đầu tư công đã bố trí cho địa phương; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn như: Đường cao tốc Bắc Nam đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo và Phan Thiết - Dầu Giây dài 160,3 km; hồ thuỷ lợi Sông Luỹ; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án Cảng hàng không Phan Thiết; tháo gỡ vướng mắc do chồng lấn quy hoạch khai thác titan và dự trữ khoáng sản để phát triển các dự án trên mặt.

 P.V