Phía sau sự trỗi dậy của điện ảnh Hàn Quốc: Thương vụ “để đời” của ái nữ gia tộc Samsung

00:00 12/10/2020

Lễ trao giải Oscar 2020 danh giá, bộ phim Ký sinh trùng gặt hái hàng loạt thành công vang dội. Người Hàn Quốc vỡ òa cảm xúc tự hào. Và phía sau ánh hào quang, nền điện ảnh xứ Kim Chi thầm cảm ơn Miky Lee – ái nữ của gia tộc Samsung. Câu chuyện về thành công của nữ tỷ phú USD nổi tiếng này, lập tức cũng trở thành nguồn cảm hứng được nhắc đến trên khắp thế giới.

Chiến thắng của bộ phim “Parasite” ( Ký sinh trùng) ở lễ trao giải Oscar 2020 diễn ra tại Nhà hát Dolby ở Hollywood, Los Angeles (Mỹ), với 4 tượng vàng danh giá đã mở ra một dấu mốc lịch sử đáng nhớ cho nền điện ảnh toàn khu vực Châu Á nói chung và xứ sở kim chi nói riêng. Lần đầu tiên trong lịch sử 92 năm của Lễ trao giải Oscar, một tác phẩm châu Á chiến thắng giải Phim hay nhất như một sự khẳng định rằng “Oscar không phải là sân chơi chỉ dành riêng cho điện ảnh Mỹ mà còn thuộc về toàn cầu, rằng chúng ta có thể vượt qua “rào cản 1 inch” của dòng phụ đề để đủ khả năng tiếp cận được thế giới của những bộ phim không nói tiếng Anh với nhiều tác phẩm xuất sắc” như lời đạo diễn Bong Joon-ho. Điện ảnh châu Á, sau Ngọa hổ tàng long của đạo diễn Lý An, lại một lần nữa điền tên mình lên trang sử Vàng của điện ảnh nhân loại. 

Thành công của Parasite là thành quả ghi nhận sự phát triển vượt trội của nền điện ảnh Hàn Quốc trong 30 năm qua. Đứng phía sau thành công của Ký Sinh Trùng, ngoài đạo diễn Bong Joon Ho và ekip thì không thể không nhắc tới CJ Group – Tập đoàn giải trí đứng đầu châu Á, cùng với ái nữ Miky Lee - Phó chủ tịch CJ. 

Gia tộc đứng sau “Đế chế” CJ Group

CJ Group là một tập đoàn đa quốc gia và cũng là một trong top 5 Tập đoàn công ty giải trí hàng đầu của Hàn Quốc. CJ còn được gọi là “người anh em của Samsung” bởi lẽ CJ vốn là một trong các nhánh của Tập đoàn Samsung. Tập đoàn được Lee Byung-chul thành lập năm 1953. Ông Lee cũng chính là nhà sáng lập, chủ tịch của Samsung. CJ tiền thân hoạt động là nhánh kinh doanh thực phẩm của tập đoàn Samsung. Trong 40 năm tiếp theo, CJ phát triển kinh doanh thực phẩm, đồ uống và mở rộng sang công nghệ sinh học, dược phẩm nhưng lại không có gì liên quan gì đến truyền thông.

Để biến CJ Group thành một đế chế giải trí như ngày hôm nay phải kể đến bà Miky Lee, người đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và xây dựng nên CJ E&M Pictures (công ty giải trí lớn nhất ở Hàn Quốc). Bà Lee sinh năm 1958 và là cháu gái của chủ tịch Lee Byung-chul. Từ nhỏ, bà đã bị thu hút bởi văn học trung đại, ngôn ngữ học và rèn luyện qua nhiều trường danh tiếng ở Hàn Quốc, Đài Loạn, Nhật Bản. Sau đó, bà theo học thạc sĩ tại Harvard, nơi Lee phát hiện ra sở trường của bản thân là giảng dạy. Đặc biệt, bà rất quan tâm đến việc giới thiệu văn hóa Hàn Quốc cho các sinh viên người Mỹ gốc Hàn - những người vốn đã hòa nhập với văn hóa phương Tây.

Năm 1987, ông nội của cô là ngài Lee Byung-chul qua đời. Tập đoàn Samsung được chia nhỏ ra thành các công ty con thuộc các lĩnh vực như bán lẻ, điện tử hay nông nghiệp và phân cho những người thừa kế khác nhau. Trong đó, CJ Group được chuyển giao cho Lee Jay-hyun, cháu lớn nhất của ông Byung-chul đồng thời là anh trai của bà Miky. Lúc đó, bà vừa tốt nghiệp Harvard và gia nhập văn phòng của Samsung tại Fort Lee (New Jersey, Mỹ). Cho đến cuối năm 1994, khi bà còn đang làm việc trong bộ phận kinh doanh thì một luật sư đã gọi tới và gửi lời mời đầu tư: “Những tên tuổi lớn của Hollywood như Steven Spielberg, David Geffen và Jeffrey Katzenberg sẽ dựng lên một studio mới, liệu Samsung có muốn quan tâm không?” 

Lee đã đưa ra đề nghị của DreamWorks cho chú của mình, chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee. Ông thực sự bị thu hút bởi lúc này, những tập đoàn về điện tử ở Châu Á đã bắt đầu hợp tác và tiếp cận với Hollywood. Trong đó, phải kể đến thương vụ Sony với Columbia Pictures hay giữa Matsushita với MCA/Universal. 

Sau khi bà Miky Lee tham gia vào quá trình đàm phán hợp tác, thương vụ đã được hoàn tất vào mùa Xuân năm 1995. Theo đó, CJ sẽ đồng ý đầu tư 300 triệu USD để giúp ra mắt DreamWorks và lấy 10,8% cổ phần cùng với quyền phân phối cho các bộ phim ở châu Á (trừ Nhật Bản). “DreamWorks sẽ không thể ra đời nếu không có hai người là Paul Allen (nhà đầu tư đầu tiên, với 500 triệu USD) và Miky Lee” – Katzenberg, người đồng sáng lập và CEO đầu tiên của DreamWorks chia sẻ. 

Đối với CJ, thỏa thuận DreamWorks đánh dấu sự bước đầu của công ty khi tham gia vào lĩnh vực giải trí. “Không ai lên kế hoạch cho điều này, mọi thứ chỉ diễn ra theo đúng cách của nó”, Miky nói từ phòng Hội nghị của Tập đoàn CJ trên tầng 22 tòa tháp Century City. Khoác trên mình bộ đồ dệt kim của Philipp Plein và đôi giày cao gót màu đen Chuck Taylor, khi ấy bà trông giống như một người làm việc tại một hãng thu âm hơn là giám đốc điều hành công ty điện tử.

Hành trình vươn tới giấc mơ 

Lee bắt đầu hình thành một tầm nhìn về tương lai với những gì có thể làm cho văn hóa Hàn Quốc phổ biến rộng rãi hơn, nhưng để CJ thực hiện những tham vọng đó, nó phải tự biến đổi. “CJ mãi mãi là một công ty thực phẩm và thậm chí sau khi mở rộng sang lĩnh vực sinh hóa và dược phẩm, chúng tôi vẫn chỉ là một doanh nghiệp kết nối với người tiêu dùng”, bà Lee nói. Để chuyển sang lĩnh vực truyền thông, CJ trước tiên phải xây dựng một ngành công nghiệp giải trí tại quê nhà từ những bước đầu tiên. 

Miky Lee tại hệ thống rạp CGV - chuỗi rạp nổi tiếng của tập đoàn CJ

“Chúng tôi không có những kênh chiếu phim, số lượng băng đĩa thì rất ít, thậm chí không có chuỗi”, bà nói về Hàn Quốc vào giữa thập niên 90. Sau đó, Lee và anh trai quyết tâm đầu tư vào xây dựng rạp chiếu phim không chỉ để gây ấn tượng với các đối tác Hollywood mới của họ, mà chủ yếu là phát triển thị trường phim ở địa phương. “Hồi đó, nội dung phim Hollywood là một siêu cường. Vì vậy, khi chúng tôi trở thành nhà phân phối cho các bộ phim của Steven Spielberg, điều đó có ý nghĩa rất lớn và mang cho chúng tôi sức ảnh hưởng đáng kể. Kế hoạch của chúng tôi là đưa các bộ phim của  DreamWorks tới các địa phương của Hàn Quốc”, bà nhấn mạnh. 

Năm 1998, CJ cho ra đờimultiplex (một phức hợp rạp chiếu phim với nhiều màn hình) đầu tiên tại Hàn Quốc, ngày nay còn được biết đến là hệ thống rạp chiếu phim CGV. Tính đến hiện tại, CJ CGV là chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất Hàn Quốc và chiếm khoảng 50% thị phần.Các công ty khác nhanh chóng theo đuổi mô hình này và tạo ra sự thay đổi thói quen xem phim của người Hàn Quốc. Hiện nay, Hàn Quốc được biết đến là thị trường phim ảnh lớn thứ 5 trên thế giới. 

“Ngay từ ban đầu, bà Lee và anh trai đã thể hiện tầm nhìn đa chiều và một suy nghĩ táo bạo”, Giám đốc điều hành Imax - Rich Gelfond, người đầu tiên thực hiện thỏa thuận với 5 rạp CGV vào năm 2005; quan hệ đối tác đã mang lại 174 rạp trên khắp Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ, chia sẻ. “Miky và CJ đã làm nên bước đột phá trong cách họ hiện đại hóa và phát minh ra trải nghiệm xem phim mới mẻ”, ông nói thêm. 

Mily Lee cùng với Jeffrey Katzenberg tại sự kiện CinemaCon năm 2011.

Ngoài việc xây dựng rạp chiếu phim, CJ thành lập Quỹ hỗ trợ đối với những nhà làm phim Hàn Quốc. Sự lớn mạnh của CJ cũng như CGV đã mang lại một thế hệ đạo diễn khẳng định tiếng tăm trên quốc tế như Bong Joon-ho (Parasite), Park Chan-wook (Oldboy) hay Kim Jee-woon (A Tale of Two Sisters). Số lượng phim Hàn Quốc chiếu rạp tăng từ 10% ở thời điểm ban đầu lên tới 50%, tương đương với phim nước ngoài.  

Lee đã nuôi dưỡng ngành Công nghiệp giải trí của Hàn Quốc thành một nền văn hóa mang đậm dấu ấn bản sắc riêng và phát triển hùng mạnh khắp châu Á, Lee nói rằng mục tiêu của bà bây giờ là mở rộng hơn nữa ảnh hưởng của CJ trên toàn thế giới. Là hãng phim duy nhất của Hàn Quốc có thể phân phối trực tiếp sang nước ngoài, họ đã phát hành hơn 140 bộ phim tại Mỹ và hơn 50 bộ phim đến các nơi khác. Ngoài ra, CJ còn sở hữu một thư viện lớn về các kịch bản nổi tiếng (đến nay đã có 57 bộ phim của CJ được làm lại tại 14 quốc gia).

Chính bởi sự đóng góp lớn lao này, Miky Lee được công nhận là nhân vật dẫn dầu trong làng giải trí Hàn Quốc, nhà lãnh đạo toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới 1997. Tại Giải thưởng Thế giới Phụ nữ 2006, bà cũng góp mặt với Giải thưởng Kinh doanh Thế giới. Dù không phải là một người phụ nữ quá nổi tiếng ở Hàn Quốc cũng như các nước châu Á nhưng Miky Lee vẫn gây được tiếng vang thông qua các sản phẩm đình đám do bản thân gây dựng và đặc biệt là những đóng góp thầm lặng cho văn hóa nước nhà. 

“Phó chủ tịch Lee là một fan cuồng nhiệt của phim ảnh, TV và âm nhạc. Bà là một người mê phim đích thực, đã xem nhiều phim và mang cả đam mê đó vào ngành kinh doanh”, đạo diễn Bong Joon-ho, người vừa giành giải Đạo diễn xuất sắc tại Oscar chia sẻ.

Bảo Trinh