Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 168/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045.
Theo đó, phạm vi ranh giới Khu kinh tế Dung Quất sẽ có diện tích khoảng 45,332 ha. Trong đó phần diện tích đất liền khoảng 33,581 ha, đảo Lý Sơn 1,492 ha và diện tích vùng biển khoảng hơn 10,711 ha; bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của các xã: Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Chánh, Bình Thuận, Bình Trị, Bình Hải, Bình Phước, Bình Châu, Bình Hòa, Bình Tân Phú, Bình Thanh, Bình Dương, thị trấn Châu Ổ, và một phần diện tích các xã Bình Long, Bình Nguyên, Bình Hiệp, Bình Trung thuộc huyện Bình Sơn; toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Tịnh Phong và một phần diện tích của xã Tịnh Thọ thuộc huyện Sơn Tịnh; toàn bộ diện tích tự nhiên xã Tịnh Hòa, xã Tịnh Kỳ thuộc thành phố Quảng Ngãi; toàn bộ diện tích huyện đảo Lý Sơn và mặt biển liền kề.
Dự báo đến năm 2030, dân số của khu kinh tế này sẽ khoảng 347.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 295.000 người, nông thôn khoảng 52.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 85%.
Đến năm 2045, dân số Khu kinh tế Dung Quất khoảng 575.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 546.000 người, nông thôn khoảng 29.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 95%; Dự báo nhu cầu lao động làm việc trong các ngành kinh tế trên địa bàn KKT Dung Quất đến năm 2030 khoảng 309.700 người; đến năm 2045 khoảng 420.200 người; Quy mô đất xây dựng trên địa bàn KKT Dung Quất trong kỳ quy hoạch được dự báo khoảng 26.000 - 26.500 ha.
Các đô thị, khu đô thị có tổng diện tích khoảng 14.000 ha, gồm: Đô thị Lý Sơn (huyện Lý Sơn), đô thị Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh) và 4 khu đô thị hạt nhân của đô thị Bình Sơn (Dốc Sỏi, Châu Ổ - Bình Long, Vạn Tường, Đông Nam Dung Quất), khu đô thị Tịnh Hòa -Tịnh Kỳ (thành phố Quảng Ngãi)
Theo quy hoạch, khu kinh tế Dung Quất sẽ là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp. Trong đó, trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng với các ngành chủ đạo: Luyện cán thép, đóng tàu biển và các ngành công nghiệp khác gắn với việc khai thác cảng nước sâu; là khu vực phát triển đô thị; trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia; trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Là một trong các đầu mối giao thông vận tải, trao đổi hàng hóa và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực Miền Trung và Tây Nguyên; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia.
PV (t/h)