Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tại Phù Ninh- Phú Thọ

18:25 15/09/2022

Phù Ninh là huyện nằm trong vùng kinh tế động lực của tỉnh Phú Thọ. Những năm gần đây, với mục tiêu xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện đã tập trung cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Ảnh minh họa
Làng nghề chè Chùa Tà, xã Tiên Phú.

Trên địa bàn huyện Phù Ninh đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, được đầu tư quy mô, sản xuất theo chuỗi liên kết, khả năng cạnh tranh, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Nhiều nông sản có chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Với địa hình đồi núi dốc, nghề trồng chè là một trong những mũi nhọn kinh tế trọng điểm của xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh, các hộ dân ở làng nghề Chùa Tà đã không ngừng chuyển đổi cơ cấu, giống, đưa các giống chè có năng suất, chất lượng cao vào canh tác như: Chè Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, chè lai LDP1, LDP2, PH8, PH9.

Hiện nay, toàn xã có trên 200 hộ trồng và chế biến chè với diện tích gần 150ha, riêng làng nghề Chùa Tà có trên 100 hộ trồng chè. Các hộ làm nghề đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới với nhiều máy móc hiện đại như: Máy vò, máy quay, máy hút chân không... để có các sản phẩm chè đa dạng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Hông không hạt xã Gia Thanh
Hông không hạt Gia Thanh.

Ngoài chè Chùa Tà xã Tiên Phú, thì trên địa bàn huyện Phù Ninh còn có các sản phẩm: Bưởi xã Phú Lộc, hồng không hạt xã Gia Thanh, cá thính xã Tử Đà, bánh sắn thị trấn Phong Châu, cá koi xã Phú Mỹ, gà đồi xã Liên Hoa và một số sản phẩm đặc sản của Phù Ninh đang dần khẳng định được giá trị, chất lượng trên thị trường.

Tổng diện tích bưởi trên địa bàn huyện đạt trên 307ha, được trồng tập trung ở các xã Phú Lộc, Liên Hoa, Trung Giáp, Phù Ninh, diện tích cho sản phẩm 241ha, năng suất ước đạt 100 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 1.600 tấn. Cây hồng được trồng tập trung chủ yếu ở xã Gia Thanh và một số xã lân cận như Bảo Thanh, Tiên Du, Trị Quận và thị trấn Phong Châu… với diện tích trên 186ha, trong đó diện tích cho sản phẩm trên 98ha, năng suất ước đạt 150 tạ/ha, sản lượng ước đạt gần 1.300 tấn, doanh thu 450 triệu đồng/ha.

Cá thính Tử Đà
Cá thính Tử Đà.

Cùng với đó, huyện đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng phát triển trang trại tập trung, công nghệ cao, đồng bộ, theo chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất liên doanh, liên kết với người dân từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm như: Chăn nuôi gà đồi, nuôi lợn gia công, lợn nái sinh sản theo quy mô lớn; phát triển một số giống thủy sản mới, có giá trị cao như: Chép lai, cá lăng, cá nheo, cá trắm giòn, cá chép giòn, rô đơn tính, cá trắm; chuyển đổi diện tích đất trồng lúa một vụ chiêm kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản ở các xã: Phù Ninh, Bình Phú, Phú Nham, Gia Thanh, Hạ Giáp… Hiện nay, toàn huyện có trên 270 gia trại, trang trại các lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản, tổng hợp… mỗi năm cho lợi nhuận hàng tỉ đồng.

Ông Nguyễn Phúc Suyên-Trưởng phòng NN &PTNT huyện Phù Ninh cho biết: Thực hiện các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm, phát huy tiềm năng, lợi thế tiểu vùng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Phù Ninh được thực hiện có hiệu quả đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

Các loại rau màu được áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật rộng rãi trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng liên kết sản xuất. Sản lượng lương thực luôn đạt trên 27.000 tấn, năng suất bình quân đạt 58,5 tạ/ha, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 55 triệu đồng/năm. Ông Suyên cho biết thêm.

Để nông nghiệp của Phù Ninh phát huy thế mạnh, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa; liên doanh, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại thu nhập cao và tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới.

PV