Phản ứng Covid-19 của Canada: Không hoàn hảo nhưng đáng để suy ngẫm

11:09 29/11/2021

“Không hoàn hảo” là cụm từ mô tả chính xác phản ứng của Canada ứng phó với đại dịch Covid-19. Quốc gia này chưa đạt đến độ nhạy bén trong từng quyết định từ cách tiếp cận của chính phủ đến niềm tin công chúng. Tuy nhiên, nhờ chiến thắng vang dội thông qua tiến trình tiêm chủng và hỗ trợ doanh nghiệp, Canada một lần nữa trở mình và vững chãi hơn trên con đường chống dịch.

Phản ứng “không hoàn hảo”

Xét trên nhiều khía cạnh, Canada và Hoa Kỳ đều gặp rủi ro tương đương khi đối mặt với đại dịch, tuy nhiên đợt bùng phát tại Hoa Kỳ tồi tệ hơn rất nhiều so với nước láng giềng phía Bắc với số ca nhiễm và tử vong cao hơn khoảng 30%. Giải thích cho hiện tượng này, tất cả các nhà quan sát có chung một quan điểm đó là phản ứng chính sách của Canada tích cực hơn hay nói cách khác là sự khác biệt trong lãnh đạo chính trị. Xã hội Mỹ bị chi phối bởi các đảng phái, ngược lại, chính sách tại Canada được thực hiện hiệu quả với sự hỗ trợ từ các nhà lãnh đạo.

Mặc dù cách tiếp cận của Canada không hoàn hảo khi tỷ lệ tử vọng cao hơn nhiều so với các quốc gia như Đức hay Hàn Quốc nhưng cũng rất đáng để nghiền ngẫm. Dễ dàng nhất, ta có thể quan sát biểu đồ trường hợp mắc bệnh do Our World in Data tổng hợp. Theo đó, các trường hợp dương tính bắt đầu tăng lên ở hai quốc gia gần như cùng lúc, nhưng vào tháng 3, phía Mỹ cao đột biến và nhanh hơn đáng kể làm nổi bật thành công “làm phẳng đường cong” của nước bạn. Cho đến đầu tháng 5, số liệu của Canada vẫn ổn định và thấp hơn nhiều lần. 

So sánh tổng số ca mắc tại Canada và Hoa Kỳ giai đoạn 2019-2020
So sánh tổng số ca mắc tại Canada và Hoa Kỳ giai đoạn 2019-2020. (Ảnh: Our World in Data)
So sánh tổng số xét nghiệp Covid-19 tại Canada và Mỹ
So sánh tổng số xét nghiệp Covid-19 tại Canada và Mỹ. (Ảnh: Our World in Data)

Một lần nữa, lý do được đưa ra là dựa vào sự lựa chọn của giới lãnh đạo chính trị tại mỗi nước. Trong suốt cuộc khủng hoảng, thủ tướng Justin Trudeau đã đưa ra lập trường nhất quán rằng, vi rút là một mối đe dọa cần phải có phản ứng mạnh mẽ của liên bang. Giữa tháng 3, phu nhân thủ tướng có kết quả dương tính khiến ông Trudeau tự cách ly nghiêm ngặt. Sau khi phu nhân dần hồi phục, thủ tướng luôn nhấn mạnh cần cảnh giác trước dịch bệnh và giữ thái độ lạc quan, khác hẳn so với người đồng cấp ở Nhà Trắng. Tất nhiên, mọi thứ sẽ chỉ là lý thuyết suông nếu không có chính sách thực tế. Tại Canada, chính phủ liên bang đóng vai trò là trung tâm tập trung mua PPE – nguồn cung cấp số lượng lớn thiết bị bảo hộ cá nhân và phân phối đến các khu vực. Isaac Bogoch, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Toronto cho biết: “Ở Canada, các cực chính trị hoàn toàn thống nhất về cách quản lý đại dịch. Đó là một trong những động lực chính làm nên thành công”.

Xét cho cùng, Canada đã có thời điểm chưa sẵn sàng đối phó với dịch và vẫn có một số sai sót. Chẳng hạn như sự tồn tại của Cơ quan Y tế Công cộng vốn vững chãi dẫn đến sự tự mãn và cho rằng đất nước đã có bộ máy phù hợp. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, cơ quan này không đặt ra nhiệm vụ rõ ràng dẫn đến chồng chéo và không chú trọng dịch bệnh. Đất nước cũng bị suy yếu bởi thiếu ưu tiên cho các chính sách đối ngoại. Canada không có chiến lược y tế toàn cầu bao quát cũng như thiếu đội ngũ chuyên gia tham gia rộng rãi trong cộng đồng quốc tế.

Về phía công chúng, nhìn chung, niềm tin vào các chuyên gia y tế, quan chức và giới truyền thông đang ở mức tốt. Người Canada chưa bao giờ có khả năng tiếp cận tin tức và thông tin nhiều hơn hiện nay từ đài phát thanh, trang web, các bộ ban ngành,... Nhóm nghiên cứu tại Đại học Carleton đi tìm câu trả lời về mức độ lòng tin của công chúng, kết quả thu về khả quan khi phần lớn người dân tin tưởng các tổ chức có vị trí lớn và được trang bị tốt nhất để chèo lái đất nước vượt “bão”. Sau cuộc khảo sát 2000 người, các tác giả đi đến kết luận: Người Canada bám sát tin tức đại dịch, cụ thể 82% theo dõi thông tin mỗi ngày trong khi chỉ khoảng 5% hiếm khi hoặc không bao giờ cập nhật. Không những vậy, các quan chức y tế công cộng (2,7 điểm), bác sĩ/y tá (2,8) và học giả/nhà khoa học (3,5) nhận được những điểm số cao nhất về độ tin cậy. Các quan chức có số phiếu tín nhiệm tương đối 5,1 điểm, tổ chức truyền thông đạt mức trung bình với 7,3 điểm, nhỉnh hơn một chút với các công ty dược phẩm (7,2). Rõ ràng, người Canada để tâm đến sự hướng dẫn của các quan chức y tế và giới khoa học cũng như chuyên gia. Công chúng thể hiện rõ thái độ lo lắng về sức khỏe và ảnh hưởng của đại dịch đối với cuộc sống, tất nhiên họ tin tưởng để các chuyên gia kiểm soát Covid-19. 

Lời cảm ơn của công chúng đến với y bác sĩ tại Toronto, Canada
Lời cảm ơn của công chúng đến với y bác sĩ tại Toronto, Canada. (Ảnh: Getty Images) 

Tuy rằng người dân Canada khá hài lòng với cách lãnh đạo của chính phủ nhưng nếu nhìn rộng hơn, thành tích của nước này không hoàn toàn lí tưởng. Canada xếp thứ 23 về số ca tử vong và 63 về số ca nhiễm trên đầu người trong số 215 quốc gia do Worldmeters theo dõi. Chắc chắn rằng nước này đã đạt được kết quả tích cực hơn Anh và Mỹ nhưng yếu kém hơn so với các nước như Đức, Ba Lan, New Zealand hay Việt Nam.

“Canh bạc” vắc xin toàn thắng của Canada

Đối với nhiều người Canada, hai mùa xuân vừa qua là thời kỳ đen tối bao phủ bởi số ca nhiễm mới tăng mạnh, nhà nhà đóng cửa, biên giới khóa chặt, dường như thời gian đang ngưng lại cho đến khi đất nước cải thiện được tỷ lệ tiêm chủng đáng ngưỡng mộ, đặc biệt trước sự “ghen tị” của nước láng giềng hùng mạnh nhất thế giới là Hoa Kỳ.

Thế nhưng ít ai biết rằng, đằng sau niềm tự hào vắc xin của Canada là những lo âu canh cánh, áp lực đè nặng lên vai của bộ trưởng bộ Quốc phòng, bà Anita Anand. Trong một cuộc phỏng vấn với Guardian về việc Canada có khả năng bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua vắc xin toàn cầu, bà Anand quả quyết: “Tôi biết rằng nguồn cung vắc xin đang đến. Tôi cũng biết vị trí của Canada rất vững chắc. Tôi luôn nói với đội ngũ của mình rằng thành bại không đến từ cách ta bắt đầu mà là hoàn thành cuộc đua như thế nào, đó mới là điều quan trọng. Chúng tôi cần phải tập trung và tiếp tục quyết tâm”. Ngày nay, Canada sở hữu thành tích tiêm chủng đáng nể trên thế giới với gần 82% dân số đủ điều kiện từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất một liều và 70,3% tiếp cận vắc xin đầy đủ. 

Bộ trưởng Anita Anand là một trong những “công thần” của đất nước trong công cuộc dập dịch
Bộ trưởng Anita Anand là một trong những “công thần” của đất nước trong công cuộc dập dịch. 

Thành công của cường quốc nhóm G7 có được nhờ vào kết hợp các cuộc đàm phán hiệu quả, nguồn tài chính và mức độ tin tưởng cao vào các tổ chức y tế, xây dựng “lá chắn” Covid vững chãi trong bối cảnh biến thể Delta vẫn tiếp tục tung hoành. Bên cạnh đó, Canada cũng nhấn mạnh những thách thức trong việc cân bằng giữa thỏa thuận mua sắm vắc xin và bất bình đẳng tiếp cận toàn cầu.

Chiến lược của Canada là phân bổ những liều vắc xin đầu tiên đến càng nhiều người dân càng tốt đồng thời trì hoãn tiêm mũi thứ hai khi chưa đủ thuốc. Barry Pakes, Giáo sư y tế công cộng tại Đại học Toronto cho hay: “Chúng tôi có niềm tin khá tốt vào chính phủ, xã hội có mức độ đoàn kết nhất định cũng như tin tưởng khoa học. Đó là lí do tại sao người Canada nóng lòng muốn tiêm chủng”. Các chiến dịch y tế công cộng được khuyến khích bởi nhà nước và mong muốn chấm dứt đại dịch đều đóng vai trò quan trọng trong công cuộc tăng số liều vắc xin vượt bậc. Tuy nhiên, những nỗ lực ban đầu của nước này để đảm bảo các hợp đồng và đàm phán với các nhà sản xuất cũng cho thấy thách thức trong cuộc chạy đua vắc xin. Ngay từ đầu, Canada quan sát và tiếp cận bất kỳ nghiên cứu nào đạt kết quả tích cực. Sau khi Pfizer và Moderna công bố kết quả mRNA, rõ ràng đất nước đã thắng canh bạc lớn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa quốc gia này hoàn toàn thuận lợi để tiêm chủng quy mô lớn bởi không có vắc xin tự sản xuất, Canada phải phụ thuộc vào các nước khác dẫn đến nhiều bất lới. Theo bà Anand: “Càng nhiều áp lực chúng tôi càng phải quyết liệt trên bàn thương thảo”.

Nhờ vậy, sau một mùa hè căng thẳng, Canada ký kết thành công các thỏa thuận mua trước với 7 nhà sản xuất. Mùa thu năm 2020, nước này có số liều lượng tính trên đầu người nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, đủ để tiêm chủng cho mỗi công dân tận 5 lần. Việc lập kế hoạch sớm từ tháng 4/2020 cũng giúp chính phủ thành lập Lực lượng đặc nhiệm. Nhóm chuyên gia đảm nhận nhiệm vụ theo dõi và tìm kiếm các công ty dược trên khắp thế giới có thể cung cấp vắc xin và bắt đầu xác định những loại hứa hẹn nhất vào tháng 6. Đồng thời, nhóm đặc nhiệm đưa ra lời khuyên hữu ích rằng chính phủ cần phải đa dạng hóa nguồn cung càng nhiều càng tốt.

Trong quá trình tìm kiếm nguồn vắc xin, Canada từng vấp phải chỉ trích gay gắt khi không đủ nguồn cung buộc phải sử dụng đến 1,9 triệu liều từ Covax. Lúc này, Bộ trưởng Anand lên tiếng: “Quyết định sử dụng một lượng tương đối nhỏ từ Covax bởi vì đất nước chúng tôi cần vắc xin vào thời điểm đó. Ngay sau khi thu được nguồn cung, chúng tôi đã quyết định không dùng thêm bất kỳ liều thuốc nào từ tổ chức”. Chờ đợi vắc xin ở Canada đã có không ít lần được ví như “Trò chơi Sinh tồn – The Hunger Game” nhưng hiện, nước này đã vượt qua Hoa Kỳ. Tiến sĩ Jesse Papenburg, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm chỉ ra: “Tôi nghĩ điểm mấu chốt là do chúng tôi ít chính trị hóa công đoạn triển khai vắc xin”. Quyết định đa dạng hóa các hợp đồng của chính phủ là minh chứng cho bước đi đúng đắn, như Lexchin, phó giáo sư tại Đại học Toronto từng chia sẻ: “Chúng tôi đã đặt cược, giống như thị trường chứng khoán đầu tư càng nhiều công ty càng có cơ hội... Sẽ tốt hơn nếu có nguồn cung trong nước nhưng chiến dịch tiêm chủng của Canada rất đáng tự hào, dù rằng khởi đầu có phần chậm chạp”.

Hỗ trợ nền kinh tế toàn diện

Những tháng đầu năm nay, từng làn sóng dịch ồ ạt ập đến lãnh thổ Canada khiến các doanh nghiệp phải vật lộn trước tác động kinh tế khôn lường. Kim Bailey, chủ một cơ sở có tên là Lynbrook cho hay: “Chúng tôi hoạt động theo mùa do đó hoàn toàn có khả năng mất trắng doanh thu cả năm. Sân golf của gia đình tôi ở Amaranth cũng không được coi là thiết yếu và bị đóng cửa trước khi mùa giải bắt đầu”. May mắn thay, chính phủ Canada đã sớm ủng hộ các phản ứng kinh tế quốc gia, thông báo kế hoạch triển khai các lợi ích kinh tế tổng trị giá 107 tỷ đô la cho doanh nghiệp và công dân vào ngày 25/3/2020.

Một trong những điểm đáng khích lệ nhất là chiến lược xây dựng cầu nối doanh nghiệp. Kế hoạch tập trung vào tạo cầu nối tài chính cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô và giúp giải quyết các chi phí cố định trong thời kỳ khủng hoảng. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đây là những đối tượng thường có khả năng tiếp cận vốn và tài chính tương đối hạn chế. Theo kế hoạch, các công ty chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 có thể được hưởng lợi từ sáng kiến Hỗ trợ Thương mại Khẩn cấp (CECRA) hợp tác với các tỉnh, khu vực cung cấp khoản vay cho chủ sở hữu bất động sản đủ điều kiện. Tính đến ngày 3/7, chương trình đã chấp thuận số lượng đơn đại diện  cho 29.000 doanh nghiệp nhỏ, tổng số tiền tài trợ được yêu cầu vượt 221 triệu đô. Đa số đơn đăng ký đến từ các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, phòng khám y tế, phòng tập thể thao,... Các doanh nghiệp nhỏ cũng có quyền truy cập Tài khoản Doanh nghiệp Khẩn cấp (CEBA) tiếp cận với các khoản vay không lãi suất lên tới 40.000 đô.

Bên cạnh đó, hàng triệu người Canada đang làm việc trong các doanh nghiệp tầm trung và quy mô lớn. Chính phủ cũng thừa nhận rằng mọi công ty thuộc mọi quy mô đều cần vượt hỗ trợ để vượt đại dịch. Chương trình Tín dụng Doanh nghiệp (BCAP) mang đến hỗ trợ cho doanh nghiệp cỡ vừa bao gồm khoản vay lên đến 60 triệu đô cho mỗi công ty và bảo lãnh khoảng 80 triệu đô la. Các đơn vị lớn hơn thường là nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ quan trọng trong chuỗi cung ứng cũng không nằm ngoài các trợ giúp nêu trên.

Cuộc khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến tất cả các vùng tại Canada nhưng mỗi nơi chịu những hạn chế khác nhau. Quỹ Cứu trợ và Phục hồi Khu vực của chính phủ đang cung cấp 962 triệu đô thông qua sáu cơ quan phát triển nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng vốn là chìa khóa cho nền kinh tế địa phương, bao gồm các cộng đồng nông thôn. Tại khu vực sản xuất năng lượng của đất nước, người dân Canada đối mặt với thách thức phức tạp do Covid-19 gây ra và cú sốc giá dầu. Chính phủ mang đến khoản trợ cấp 1,72 tỷ đô để làm sách các giếng dầu khí, giữ môi trường đất nước trong sạch và duy trì khoảng 5300 việc làm chỉ riêng ở vừng Alberta. Ở cấp liên bang, đã có vô số hỗ trợ giúp chính quyền cấp tỉnh và vùng lãnh thổ vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế. Ngân hàng Canada đã giới thiệu chính sách tiền tệ có lợi cho tính thanh khoản và hiệu quả của thị trường cấp vốn.

Khi nền kinh tế Canada thận trọng tái khởi động, chính phủ sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của các quan chức y tế, hợp tác chặt chẽ với các chính quyền cấp tỉnh. Ngày 28/4, chính quyền liên lang và vùng lãnh thổ đã công bố một bộ quy tắc chung trong đó định hình chiến lược tương lai của đất nước. Thủ tướng Canada phát biểu định hướng tầm nhìn như sau: “Ưu tiên của chúng tôi là bảo vệ người dân được an toàn. Đó là lý do tại sao các bộ trưởng làm việc dựa trên nguyên tắc chung để từng bước khởi động lại nền kinh tế dựa trên cơ sở khoa học. Cùng nhau, chúng tôi sẽ giữ sức khỏe cho công dân cũng như đảm bảo nền kinh tế”.

TL