![]() |
Orochi Network được Ethereum rót vốn trong bối cảnh Việt Nam được công nhận là một trong những quốc gia đón đầu làn sóng phát triển mới trong công nghệ Blockchain với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc. |
Orochi Network, startup công nghệ Blockchain Việt Nam chuyên về bảo mật và mật mã có trụ sở tại TP HCM, mới đây công bố khoản đầu tư từ Ethereum Foundation, tổ chức đứng sau blockchain Ethereum với mức vốn hóa hơn 500 tỷ USD.
Thương vụ này chính thức khiến Orochi Network trở thành startup Việt duy nhất tại Đông Nam Á được Ethereum lựa chọn để rót vốn, hỗ trợ xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng. Con số đầu tư không được đôi bên tiết lộ. Trước Ethereum Foundation, Orochi Network cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều quỹ đầu tư danh tiếng khác, bao gồm Mina Protocol, Web3 Foundation, và BNB Chain.
Khoản rót vốn được cung cấp nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tính toán bằng chứng phi tri thức hậu lượng tử.
"Cơ sở hạ tầng này sẽ giúp các ứng dụng xây dựng trên Ethereum tăng tính bảo mật và sẽ thay đổi cách các công ty hiện nay vận hành dữ liệu trong hàng loạt ngành công nghiệp như tài chính, chuỗi cung ứng, y tế, trò chơi điện tử và tài chính phi tập trung", ông Trần Anh Dũng, Nhà sáng lập Orochi Network chia sẻ. Ông Dũng nhấn mạnh, ngoài ý nghĩa tài chính, khoản đầu tư này còn cho thấy sự công nhận về tài năng nghiên cứu khoa học và công nghệ sâu của Việt Nam ở các lĩnh vực bảo mật, dữ liệu... hoàn toàn không thua kém gì quốc tế.
Theo Orochi Network, với sự phát triển của máy tính lượng tử, các phương pháp mã hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ. Tính toán bằng chứng phi tri thức hậu lượng tử (post-quantum zero-knowledge proof) được xem là giải pháp then chốt để bảo vệ dữ liệu trong tương lai. Bằng chứng phi tri thức hậu lượng tử sẽ đảm bảo tính bảo mật và riêng tư của dữ liệu, ngay cả khi máy tính lượng tử trở nên phổ biến.
Orochi Network nhận được khoản rót vốn trong bối cảnh Việt Nam được công nhận là một trong những quốc gia đón đầu làn sóng phát triển mới trong công nghệ Blockchain với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc. Cụ thể, theo Báo cáo của TechSci Research, quy mô thị trường Blockchain Việt Nam được dự báo tăng từ 350 triệu USD năm 2023 lên 925 triệu USD năm 2029. Đồng thời, Việt Nam được xem là thị trường có mức độ chấp nhận và phát triển công nghệ Blockchain hàng đầu với vị trí thứ 5 trên toàn thế giới vào năm 2024, theo Chainalysis.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tháng 10/2024 từng ký quyết định ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối đặt mục tiêu đến 2030, Việt Nam thuộc nhóm nước dẫn đầu khu vực về blockchain.
Giai đoạn này, Việt Nam cũng dự kiến xây dựng 20 thương hiệu blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm, dịch vụ trong khu vực; duy trì vận hành tối thiểu ba trung tâm hoặc đặc khu thử nghiệm về chuỗi khối tại các thành phố lớn; đồng thời có đại diện nằm trong bảng xếp hạng 10 cơ sở đào tạo và nghiên cứu chuỗi khối dẫn đầu khu vực châu Á.
Để đạt những mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra 5 hành động gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; Phát triển hạ tầng, hình thành hệ sinh thái công nghiệp Blockchain; Phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực Blockchain; Thúc đẩy phát triển và ứng dụng Blockchain; Thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế.
Blockchain (chuỗi khối) là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa thông tin về thời gian khởi tạo và liên kết với các khối trước đó. Nó được thiết kế để chống lại sự can thiệp dữ liệu bởi thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Ngay cả khi một phần của hệ thống blockchain sụp đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin. Ứng dụng nổi tiếng nhất của blockchain là tài chính, tiền mã hóa, tuy nhiên công nghệ này cũng đang mang lại tiềm năng kinh tế lớn trong ngành giải trí, nông nghiệp, logistics, giáo dục, y tế, sản xuất... |