Ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Phải đảm bảo hài hòa việc phát triển kinh tế với phát triển văn hóa

23:36 18/07/2021

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.

Tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo, ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có những đánh giá và góp ý về nội dung của Chiến lược:

Ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Kể từ khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998 (Nghị quyết Trung ương 5), về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đến nay đã có thời gian trên 20 năm. Những người từng làm việc từ thời điểm đó đều công nhận Nghị quyết này thực chất là một chiến lược văn hóa trong thời kỳ đổi mới. Xuất phát từ đó, yêu cầu đặt ra cho Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam lần này cũng phải mang thông điệp của Chiến lược nhằm hướng tới mục tiêu cao. Do đó, kỳ vọng của người làm công tác văn hóa và những người hoạt động trong lĩnh vực này cũng như toàn xã hội đối với Chiến lược rất lớn.

Dự thảo lần này, nội dung cơ bản đã đề cập đến các vấn đề từ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp… thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của ban soạn thảo. Tuy nhiên, những vấn đề từng đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 5 tới giờ vẫn còn mang tính thời sự. Vì vậy, cần xem xét những điểm này trong yêu cầu đặt ra đối với Chiến lược này. Chẳng hạn, cần xem xét các quan điểm trong Dự thảo lần này đã có những nét gì mới. Về mặt định tính, trước cũng 5 quan điểm, lần này cũng 5 quan điểm, như vậy, trong Dự thảo cho dù có những thay đổi, nhưng cần chỉ rõ những cái mới, làm nổi bật lên những nét mới, yêu cầu cần hướng tới trong quan điểm xuyên suốt của cả một giai đoạn, ít nhất từ 10-15 năm.

Trong Dự thảo lần này, tôi cũng tâm đắc với quan điểm Chiến lược. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 vẫn có những vấn đề còn tồn tại mà người dân, người hoạt động văn hóa mong muốn thì trong quan điểm Chiến lược lần này đã đề cập. Đó chính là xác định được "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội". Nói thì đơn giản nhưng thực hiện không đơn giản chút nào. Mặc dù trên các hội nghị, diễn đàn đều đề cập bảo đảm hài hòa văn hóa, kinh tế, chính trị… nhưng khi thực thi thì nhiều địa phương, ban ngành, ngay trong tư tưởng chỉ đạo không hề dễ.

Bên cạnh đó, đây là một Chiến lược thực hiện trong thời gian dài 10 năm nên cần phải có tầm nhìn, mà để có tầm nhìn phải có dự báo chính xác để từ đó đưa ra những chính sách, tư tưởng chỉ đạo, biện pháp, giải pháp thực hiện phù hợp. Chính vì vậy, cần dự báo được xu thế phát triển chung và phân tích được xu thế này tác động đến văn hóa như thế nào để có tầm nhìn rõ ràng.

Phải đảm bảo hài hòa việc phát triển kinh tế với phát triển văn hóa-1

Chỉ số xuất bản phẩm/người của Việt Nam đạt khoảng 4,1 bản (năm 2020).

Với Dự thảo Chiến lược, mặc dù ban soạn thảo đã rất chú trọng các nội dung chính, nhưng tôi cũng xin đề xuất một số ý kiến.

Trong dự thảo Chiến lược nên bổ sung một số dự báo cơ bản về xu hướng phát triển, trong đó sự phát triển của truyền thông, xã hội số, đặc biệt là truyền thông xã hội tác động đến văn hóa. Có thể thấy sự phát triển này tác động đến từng gia đình, từng con người, làm thay đổi từ suy nghĩ, tình cảm đến nhận thức… đây là xu hướng lớn. Hiện nay mọi lĩnh vực đều chuyển đổi từ chính phủ số, chính quyền số, xã hội số… thì tác động của phát triển truyền thông, đặc biệt là truyền thông xã hội là một xu hướng tác động rất lớn đến phát triển văn hóa trong giai đoạn tới, thế nên dự báo này cần phải được tính đến.

Thời gian qua, có ý kiến cho rằng, văn hóa, đặc biệt văn hóa đọc đang bị xuống cấp, đang bị mai một, tuy nhiên, dự báo cần xem xét là văn hóa đọc vẫn đang phát triển nhưng nó sẽ có thay đổi phương thức cho phù hợp với xu thế mới. Qua quá trình làm việc tôi thấy nên đưa vào những dự báo như vậy để có được những hoạch định chính sách phát triển trong giai đoạn tới.

Trong dự thảo đưa ra 5 quan điểm, dù đã đầy đủ và có những quan điểm tân tiến, nhưng theo tôi cần bổ sung thêm một số ý. Thời gian qua, xu thế phát triển và sự phát triển của văn hóa trong quá trình hội nhập rất đa dạng, phong phú, thậm chí có những lúc phức tạp cho nên quan điểm chỉ đạo cũng cần quán triệt nguyên tắc: phát triển văn hóa gắn với quản lý tốt, quản lý tạo điều kiện cho phát triển nhưng phát triển phải gắn với quản lý chứ không phải phát triển theo dạng mạnh ai nấy làm. Cái này thể hiện rõ vai trò quan trọng của quản lý Nhà nước, đây là một điểm không thể bỏ qua.

Trong hoạt động văn hóa, yếu tố xã hội hóa đã được đề cập, nhưng cần phải xác định rõ việc huy động, phát huy các nguồn lực xã hội phải kết hợp với đầu tư có hiệu quả của Nhà nước để phát triển văn hóa. Trong lĩnh vực văn hóa có nhiều lĩnh vực, như văn hóa dân tộc, nghệ thuật truyền thống… việc xã hội hóa không hề đơn giản. Phải bảo đảm hài hòa việc phát triển kinh tế với phát triển văn hóa. Đây là quan điểm xuyên suốt đã được đề cập nhưng tôi thấy cần phải làm rõ điểm này.

Về mặt chỉ tiêu, trong dự thảo đã đề cập tới nhiều nhưng tôi thấy cần đưa ra thêm các chỉ tiêu cụ thể về một số lĩnh vực, nhất là việc hưởng thụ văn hóa trong từng giai đoạn. Như mức hưởng thụ nghệ thuật, văn hóa đọc… từng giai đoạn để có những hướng để phấn đấu, sau để phục vụ tổng kết chứ không thể nói chung chung. Hoặc chỉ tiêu xây dựng các thiết chế văn hóa cũng cần đưa các chỉ tiêu cụ thể, xây dựng luôn ở thiết chế văn hóa cơ sở có những gì, thiếu những gì, trong những năm tới cần bổ sung gì, hoàn thiện gì… cũng rất là quan trọng.

Về hệ thống các giải pháp, cho dù chiến lược, mục tiêu… có tốt bao nhiêu mà thiếu giải pháp thực hiện thì khó mà thành công. Trong các giải pháp cần xác định đầu tiên là nguồn lực về tài chính, mà trong đầu tư cho văn hóa không phải để thu về hiệu quả ngay mà có những cái phải mươi năm sau, thậm chí có những cái cả một thế hệ mới thấy được hiệu quả. Lãi về văn hóa nhiều khi là rất lâu dài, đôi khi một hành vi về văn hóa, một vấn đề về đạo đức, hay tính nhân văn, nếp sống gia đình… rất khó nói là ngày 1 ngày 2 thấy được.

Do vậy, nguồn lực về tài chính, đầu tư cho văn hóa thì Nhà nước phải chủ trì, phải coi trọng và khi đưa ra thành giải pháp phải rất cụ thể. Phải đưa ra những chương trình hành động và các chương trình đó phải được Nhà nước phê duyệt. Trong đầu tư của Nhà nước cũng cần cân nhắc tới sự tham gia của nguồn lực xã hội, Nhà nước đóng vai trò thế nào, xã hội hóa ra sao… Ở các nước phát triển, những vấn đề về phúc lợi văn hóa, thiết chế văn hóa, sự hưởng thụ văn hóa của người dân được Nhà nước quan tâm và đầu tư thích đáng.

Một vấn đề cũng cần quan tâm trong các giải pháp là nguồn lực về con người, chú trọng các chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển văn hóa. Cần xem xét đào tạo các lĩnh vực trong hoạt động văn hóa để có một nguồn lực đáp ứng được yêu cầu của phát triển, đáp ứng được các mục tiêu đề ra của chiến lược. Như vậy, trong giải pháp nguồn lực về con người thì phải coi trọng đào tạo, đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa, đây là một giải pháp rất căn cơ.

Giải pháp nữa là cũng cần đề cập là hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt hệ thống chính sách văn hóa. Trong các giải pháp phải có những hướng dẫn cụ thể về những năm đầu xây dựng chính sách gì, 5 năm, 10 năm… chính sách gì, phải có yếu tố dự báo trước để giảm bớt những khó khăn trong quá trình thực hiện.

Tổ Quốc