Nữ giám đốc doanh nghiệp người Mông với khát vọng làm giàu cho quê hương

10:29 30/03/2023

Đầu tư gần 2 tỷ đồng để mở xưởng may gia công túi bạt siêu thị trên vùng đất một thời được ví là “chảo lửa ma túy”, Sùng Y Hoa nói, cán bộ bảo mình là người có bản lĩnh, biết nghĩ việc cho dân bản. Mình nói, làm liều thôi, thế mà thành công.

Theo lời giới thiệu của ông Hà Hiển Nhiên, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình, Chi hội trưởng Hội Doanh nhân CCB huyện Mai Châu, chúng tôi vượt hơn 30 km đường núi lên xã Pà Cò tìm đến xưởng may túi bạt siêu thị của cô gái Mông Sùng Y Hoa. Đã gần 9 giờ, thung lũng Pà Cò vẫn chìm trong sương. Mưa lớt phớt, trời se lạnh. Nhà vợ chồng Sùng Y Hoa và Mùa A Giàng ở rìa bản Xà Lĩnh, bao quanh là vườn mận, vườn đào xanh mướt. Không biển hiệu, không tường bao, cổng sắt, Xưởng may “Túi bạt siêu thị” của đôi vợ chồng trẻ Mùa A Gìang, Sùng Y Hoa nằm gọn trong sân nhà với diện tích chưa đầy 100 m2. Nhà xưởng được bố trí ngăn nắp, gọn, hợp lý, thuận tiện cho các tổ làm việc. Dàn máy khâu 40 chiếc được xếp thành hai hàng dọc theo sân nhà. Từ khâu lập trình đến các khâu may miệng túi, may đáy túi, cắt chỉ, kiểm hàng, gấp túi được bố trí theo dây chuyền, làm theo tổ. Chỉ vào những tấm bạt căng kín xung quanh nhà xưởng, Y Hoa nói: Ở trên này phải che kín như thế, mùa đông thì chống rét, chống sương mù lùa vào nhà. Mùa hè thì chống mưa, gió. Như thế vừa bảo vệ được máy móc, hàng hóa vừa để công nhân làm việc không bị giá rét. 

Mùa Y Hoa hướng dẫn công nhân may túi bạt
Chị Sùng Y Hoa hướng dẫn công nhân may túi bạt.

Sùng Y Hoa nói: Xưởng may của mình không có giám đốc đâu. Gọi Y Hoa là giám đốc, xấu hổ lắm. Hai vợ chồng bảo nhau cùng làm, mỗi người một việc. A Giàng thì lo hàng tuần về Công ty ở Duy Tiên, Hà Nam lấy vật tư về, Y Hoa ở nhà điều hành công việc, kèm cặp, dạy bảo chị em cùng làm. Xưởng mới đi vào hoạt động tròn một năm (2/2022 – 3/2023). Mới làm nên chị em còn bỡ ngỡ, nhưng vui lắm. Ai cũng gắn bó với công việc. Nhiều cháu muốn vào làm nhưng xưởng hẹp quá không để được nhiều máy khâu. Vợ chồng mình đang tính sẽ thuê lại cái nhà lớn của Nhà máy chè ở bản Pà Cò để làm xưởng, nếu không được thì xin UBND xã một khu đất để làm nhà xưởng mới. Sùng Y Hoa dừng lời, mắt nhìn xuống bản, hạ giọng nói: Giàu thì chưa dám nghĩ đến, vợ chồng Y Hoa chỉ mong muốn chị em phụ nữ Mông trong bản, trong xã có việc làm, có thu nhập ổn định, bớt đi cái nghèo, có tiền lo cho con học cái chữ là Y Hoa mừng lắm rồi.

Sùng Y Hoa tâm sự: Vùng đất Pà Cò quê hương Y Hoa xưa nay giữ lắm. Người ta ví hai xã người Mông Pà Cò, Hang Kia là “chảo lửa ma túy”, là “thung lũng ma túy”, “lãnh địa ma túy”, “vùng đất không bình yên”. Đúng đấy, trước đây nhà nào cũng có vườn, nương thuốc phiện. Sau này Đảng, Nhà nước vận động phá bỏ hết cây thuốc phiện thì người ta lại đi mua, bán, vận chuyển ma túy thuê. Đã làm cái việc đấy thì liều lĩnh lắm, họ còn trang bị cả súng quân dụng, súng tự chế. Vì ma túy mà hàng chục người đã phải vào tù, thậm chí bị tử hình. Ơn Đảng, Chính phủ, mấy năm nay cuộc sống của người Mông Pà Cò đã thay đổi, bà con đã hết đói. Cái nghèo đã ra khỏi bản, nhưng cuộc sống vẫn còn bấp bênh lắm, chưa ổn định. Cái ăn cái mặc chỉ nhìn vào cây ngô trên nương, cây chè trên đồi, nên cái nghèo nó cứ quẩn quanh ngoài bản, chưa chịu đi xa. Vợ chồng mình chưa giàu, nhưng cũng có của ăn của để. Có điều, nhìn thấy nhiều chị em phụ nữ trong bản, trong xã còn lam lũ, khó khăn, nghèo lắm. Trước đây nhà bố mẹ Y Hoa cũng là hộ nghèo, mấy chị em phải đổi nhau mặc chung một cái váy, chia nhau từng bát mèn mén. Có lần sau bữa cơm Y Hoa ôm lấy mẹ khóc, nói: Con phải đi học nhiều con chữ để nhà mình thoát cảnh nghèo. Con cầu xin nhà mình có nghèo mấy cũng đừng có ai đi làm cái việc xấu (mua bán ma túy). 

Sùng Y Hoa kể, năm 18 tuổi, học xong THPT ở Trường Dân tộc nội trú huyện Mai Châu, Y Hoa về nhà lấy Mùa A Gìang làm chồng. Bố mẹ cho hai vợ chồng Y Hoa một khu đất ven đồi với mấy chục cây mận, cây đào. Vợ chồng Y Hoa không làm nương mà tập chung chăm vườn mận, quây vườn nuôi gà, làm Homestay. Nhờ làm Homestay mà vợ chồng Y Hoa được giao tiếp với nhiều khách du lịch người nước ngoài như Lào, Thái Lan. Khách thích sản phẩm hàng thổ cẩm như quần áo nam, nữ dân tộc Mông, dân tộc Thái, khăn, túi, tấm vải dệt bằng thổ cẩm làm quà lưu niệm, họ cũng nói bên nước họ rất thích hàng thổ cẩm của đồng bào Mông, Thái, Mường, Dao. Nhưng sản phẩm phải làm bằng sợi bông, dệt thủ công chứ không dệt bằng máy. Nghe vậy, Y Hoa quyết định về thị trấn Mai Châu tìm đến các bản làng nghề dệt thổ cẩm như bản Lác, bản Nhót, Pong Coọng, bản Văn, Chiềng Châu, Nà Phòn mua một loạt sản phẩm làm bằng thổ cẩm đem trưng bày trong Homestay của mình để khách xem. Khách cần mua sản phẩm nào thì bán. Một thời gian sau, mấy vị khách du lịch người Lào, người Thái Lan trở lại gặp Y Hoa đặt vấn đề làm đối tác kinh doanh hàng thổ cẩm. Vợ chồng Y Hoa sẽ là đầu mối thu mua, cung ứng hàng thổ cẩm chuyển sang giao cho các đại lý lớn ở Lào, Thái Lan. Chủng loại hàng theo đơn đặt hàng từng chuyến. Đây là cơ hội để vợ chồng cô gái Mông nơi “chảo lửa ma túy” đưa sản phẩm của quê hương xuất ngoại.

Công nhân xưởng may đều là chị em dân tộc Mông
Công nhân xưởng may đều là chị em dân tộc Mông trong và ngoài xã Pà Cò.

Sùng Y Hoa trải lòng, gần 6 năm làm đại lý cung cấp hàng thổ cẩm cho các đại lý ở các thành phố lớn của nước Lào, Thái Lan, vợ chồng Y Hoa tích lũy được chút ít vốn liếng kinh doanh. Năm 2020, 2021 do đại dịch Covid-19, việc đi lại khó khăn, Y Hoa quyết định thực hiện ý nguyện, tìm, đem nghề về bản, tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ người Mông. Cái bụng nghĩ thế, nhưng cái đầu chưa tìm ra nghề gì cho phù hợp. Một hôm Y Hoa nói với chồng: “A Giàng à. Vợ chồng mình đi tìm cái nghề gì về cho dân bản làm đi”. A Giàng bảo mình: “Được thôi. Nhưng tìm cái nghề gì phải phù hợp với con em người Mông mình thì các em mới làm được”. Nghe chồng nói, Y Hoa mừng lắm. Mấy ngày sau Y Hoa bảo A Giàng đưa đi Bắc Ninh, Hải Dương rồi Thái Nguyên, TP Hòa Bình, vào các công ty, nhà máy để xem. Nhưng không thấy cái nghề nào ưng cái bụng, hợp với phụ nữ Mông. Y Hòa cười, nói: Cái đầu đang bí thì may quá cái điện thoại thông minh nó tìm, nó chỉ đường cho. Hai vợ chồng Y Hoa tức tốc tìm về Công ty May túi bạt siêu thị An Khánh ở Hà Nam. Nghe lãnh đạo công ty nói về quy trình may túi bạt, trong đó công ty sẽ cung cấp vật tư, tiêu thụ sản phẩm, dạy nghề cho công nhân, Y Hoa mừng quá, bảo A Giàng: “Mình à, cái nghề này hợp với bà con mình đấy, nó cũng như bà con người Mông mình may túi thổ cẩm thôi”. A Giàng gật đầu, đồng ý. Thế là hai vợ chồng quyết định chọn nghề may túi bạt siêu thị về làm. Y Hoa bảo A Giàng về trước lo thu dọn nhà cửa, mở rộng sân để làm xưởng, Y Hoa ở lại công ty để học nghề sau này về dạy cho công nhân. Những ngày ở công ty, Y Hoa được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn làm từng khâu như lập trình, may miệng, đáy túi, cắt chỉ, kiểm hàng, gấp túi. Một tuần sau, Y Hoa trở về Pà Cò, hai vợ chồng thống nhất mở xưởng ngay tại nhà. Theo Y Hoa thì mục tiêu của hai vợ chồng là bước đầu sẽ tạo việc làm cho chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong bản, trong xã. Sau khi có phương án sản xuất, A Giàng và Y Hoa báo cáo với chính quyền bản Xà Lĩnh và UBND xã Pà Cò. Được chính quyền hoan nghênh, ủng hộ, vợ chồng Y Hoa về Công ty An Khánh ký hợp đồng nhận gia công túi bạt siêu thị cho công ty. Công ty An Khánh có trách nhiệm cung cấp máy khâu, đào tạo nghề cho công nhân và bao tiêu sản phẩm. Y Hoa cho biết, hai vợ chồng đã dồn tất cả vốn tích cóp được đầu tư vào xưởng may. Ngày đầu Y Hoa mới tiếp nhận 25 lao động, rồi  tăng dần lên 35 - 40 người, đều là nữ. Mấy tháng đầu do chưa quen công việc nên chưa may được nhiều túi. Cũng có túi không đạt tiêu chuẩn phải làm lại, nhưng vợ chồng Y Hoa vẫn trả công đầy đủ, đảm bảo thu nhập cho công nhân từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Sau này thạo việc, năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn, thu nhập bình quân một lao động tăng lên 5 – 6 triệu đồng/tháng. Có một số người đạt 7 - 8 triệu đồng. Dự tính trong năm 2023, Y Hoa sẽ đưa số lao động tăng lên 50 người. Hiện tại trong số 40 lao động, có một số người có hoàn cảnh rất khó khăn, ngoài lo việc làm, vợ chồng Y Hoa còn phải lo nơi ăn chốn ở cho họ. Chị Vàng Thị Khua cảm động nói: “Mình biết ơn vợ chồng A Giàng, Y Hoa nhiều lắm, một tháng đi làm ở xưởng của Y Hoa bằng cả năm đi làm ngô trên nương. Chị em mình bảo nhau phải làm việc chăm chỉ, cẩn thận để Y Hoa có nhiều hàng giao cho công ty”.

Được biết, nhà chị Vàng Thị Khua ở tận trên bản Pa Then, huyện Mộc Châu, Sơn La, một lần đi chợ Pà Cò, chị Khua được vào xem công nhân làm việc trong xưởng may túi bạt, chị xin làm thử. Thấy dễ làm, vui, Vàng Thị Khua xin Y Hoa vào làm thợ may, Y Hoa đồng ý. Do nhà xa không có phương tiện đi lại, chị Khua không đi về trong ngày được nên Y Hoa dành một gian nhà mình cho chị Khua ở lại.

Chỉ vào một cháu đang ngồi gấp túi, Y Hoa nói: Trường hợp của cháu Hờ Thị Núi rất đặc biệt. Cháu Núi đến nhà Y Hoa xin vào xưởng làm việc. Núi nói nhà Núi nghèo lắm, mẹ ốm đau không lên nương được, Núi muốn đi làm để có tiền mua thuốc chữa bệnh cho mẹ. Nghe vậy, vợ chồng Y Hoa đến tận nhà cháu Núi và thấy hoàn cảnh gia đình cháu rất khó khăn. Về nhà, Y Hoa bàn với A Giàng đón cả 4 mẹ con Núi đến xưởng làm việc. Vợ chồng Y Hoa dành hẳn một gian nhà cho 4 mẹ con cháu Núi ở. Y Hoa cho người xuống chợ mua sắm đầy đủ những đồ dùng cần thiết, như: chăn, chiếu, màn, nồi, bát đũa, đong gạo… cho mẹ con cháu Núi. Vậy là trong một nhà xưởng có tới 3 cái bếp của 3 gia đình. Nhiều lần đi chợ, Y Hoa mua luôn cả thức ăn cho chị Khua và 4 mẹ con cháu Núi.

Y Hoa tâm sự, ở bản có nhiều chị em hoàn cảnh khó khăn lắm, có nhà bố đi tù, con đi tù vì buôn bán ma túy, mẹ thì ốm yếu, đông con. Mình giúp bà con được tí nào là giúp không tính toán gì. Bà con đỡ vất vả, có ăn, có mặc là vợ chồng Y Hoa vui lắm, mừng lắm. Vợ chồng mình mở xưởng may không nặng nhiều về tiền bạc, mà cái chính là giúp cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn có thu nhập để ổn định cuộc sống. Mỗi khi trong xưởng có người ốm đau hay gia đình công nhân có người ốm, Y Hoa tổ chức cho chị em trong xưởng đến thăm. Tết Qúy Mão 2023, là Tết đầu tiên thành lập xưởng, ngoài tiền lương, Y Hoa còn có túi quà gồm bánh kẹo, gạo nếp, miến, mì chính và 500.000 đồng cho công nhân. Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 mới đây, Y Hoa tổ chức liên hoan, văn nghệ, tặng quà, đồng thời cho chị em nghỉ một ngày.

Nói về quyền lợi của người lao động, Sùng Y Hoa cho biết, Y Hoa đã được cán bộ Hội Doanh nghiệp huyện Mai Châu tư vấn. Xưởng may của Y Hoa thuộc loại doanh nghiệp nhỏ, vì số lao động dưới 100 người, sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh, Y Hoa sẽ vào sinh hoạt hội để lúc khó khăn được hội giúp đỡ.

Sùng Y Hoa kiểm tra hàng trước khi chuyển về công ty.
Chị Sùng Y Hoa kiểm tra hàng trước khi chuyển về công ty.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Pà Cò Sùng A Màng cho biết: Ở bản Chà Đáy, Pà Cò lớn có Homestay. Nay vợ chồng Sùng Y Hoa lại đem về xã nghề may túi bạt siêu thị, tạo công ăn việc làm cho hàng chục người địa phương, Đảng ủy, UBND xã Pà Cò rất hoan nghênh A Giàng và Y Hoa. Chính quyền và nhân dân Pà Cò mong có nhiều người như vợ chồng A Giàng, Y Hoa để con em đồng bào Mông Pà Cò có việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần xây dựng bản Mông Pà Cò ngày càng ấm no, giàu, đẹp.

Chia tay chúng tôi, Sùng Y Hoa nói rằng, trong năm nay vợ chồng Y Hoa sẽ mở rộng xưởng may, nhận thêm lao động. Về lâu dài, Y Hoa muốn tìm thêm nghề đem về để con em ở Pà Cò làm. Có việc, có tiền thì thanh niên nó không phải vất vả trên nương, cũng tránh xa được ma túy. Vậy thôi, vợ chồng mình chỉ mong như thế.

Nguyễn Hồng Bài