Các ông trùm địa ốc vây quanh Long Thành với hàng loạt dự án bất động sản cách sân bay chừng 10-30km. Đình đám nhất phải kể đến dự án Đại Phước có quy mô lên tới hơn 400ha của DIC Corp.
DIC Corp (DIG): Khu dân cư Hiệp Phước và Đại Phước
Liên quan đến dự án khu đô thị sinh thái Đại Phước, vào trung tuần tháng 4 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có kết luận đối với chủ trương góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp để thực hiện dự án cấp 2 theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án khu đô thị sinh thái Đại Phước, UBND tỉnh Đồng Nai, DIC Corp căn cứ các quy định pháp luật liên quan, rà soát toàn diện về pháp lý hồ sơ nêu trên, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện theo đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.
Dự án khu đô thị sinh thái Đại Phước tại Đồng Nai có quy mô 465ha với tổng vốn đầu tư 7.506 tỷ đồng. Chi phí kinh doanh dở dang tại dự án tính đến cuối quý IV/2022 là 1.321 tỷ đồng.
Mới đây, Thaiholdings (THD) đã có thư ngỏ gửi DIC Corp (DIG) với mong muốn hợp tác đầu tư tại dự án Khu đô thị sinh thái Đại Phước, Đồng Nai.
Về dự án Hiệp Phước, vừa qua, ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT DIG chủ động quyết định triển khai thu xếp và bố trí bổ sung nguồn vốn vay phục vụ đầu tư 200 tỷ đồng vào các dự án Nhà ở xã hội tại Khu dân cư Hiệp Phước – Đồng Nai và Khu dân cư thương mại Vị Thanh – Hậu Giang. Được biết, năm 2022, dự án Hiệp Phước đem về cho DIG 152,14 tỷ doanh thu.
Nhóm Sonadezi có loạt dự án khủng xoay quanh Long thành
Sonadezi đã hoàn thiện hạ tầng 9 KCN, trong đó có nhiều dự án lớn như KCN Long Thành 488ha, KCN Amata 494ha, KCN Biên Hòa 2 khoảng 365ha, KCN Biên Hòa 1 khoảng 335ha, KCN Nhơn Trạch 2 khoảng 347ha…
Hiện nay, Sonadezi cũng đang sở hữu những công ty thành viên đáng chú ý hoạt động trên lĩnh vực địa ốc, trong đó ở Đồng Nai có Sonadezi Long Thành (SZL), CTCP Phát triển Đô thị công nghiệp số 2 (D2D), CTCP Kinh doanh nhà Đồng Nai.
Cách sân bay Long Thành chừng 20km, Sonadezi Long Thành đầu tư dự án Tam An 36ha, còn D2D sở hữu dự án Lọc An 14ha trong bán kính sân bay 10km.
Novaland (NVL): Dự án trọng điểm Aqua City quy mô 1.000ha
Trong bán kính 15-20 phút di chuyển đến sân bay Long Thành tương lai, dự án khu đô thị sinh thái Aqua City phía Nam Biên Hòa, nằm ở vị trí kết nối tốt với các tỉnh thành lân cận, xuất hiện trên thị trường ngay đúng "điểm rơi" của nhiều dự án hạ tầng khủng được chấp thuận khởi công như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hay Sân bay Long Thành.
Sau khoảng thời gian vướng mắc thủ tục pháp lý, Aqua City đã được tái khởi động. Cụ thể, ngày 23/6, tại Lễ ký kết tái khởi động Đô thị sinh thái thông minh Aqua City giữa Novaland cùng VPBank và các đối tác nhà thầu, các bên đã ký kết hợp tác để tái khởi động, tiếp tục triển khai thi công dự án. Theo thỏa thuận, VPBank sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Chủ đầu tư và các nhà thầu để tiếp tục thi công phân khu River Park 2 và hai phân khu thuộc đảo Phượng Hoàng (Phoenix) với đầy đủ điều kiện pháp lý.
Lizen (LCG) sở hữu các dự án Long Tân City và Điền Phước 100ha
Năm 2023, LCG lên kế hoạch hoàn thiện các thủ tục pháp lý đối với dự án đã chuyển nhượng là cơ sở để thu hồi hết giá trị chuyển nhượng tại dự án Long Tân City và dự án Điền Phước.
Nam Long (NLG): Dự án Izumi City
Dự án Izumi City có quy mô 170ha (Đồng Nai) có tổng mức đầu tư 21.000 tỷ đồng là dự án khu đô thị tích hợp quy mô lớn đầu tiên của Nam Long với số cư dân dự kiến xấp xỉ 25.000 người.
Ban lãnh đạo NLG kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận trong năm 2023 sẽ được thúc đẩy nhờ bàn giao sản phẩm tại dự án Izumi.
Bên cạnh đó, Nhà Khang Điền (KDH) có chuỗi dự án quy mô khoảng 70ha, chạy dọc theo cao tốc TP.HCM-Long Thành – Dầu Giây. Ngoài ra còn có hàng loạt dự án Six Sense 55 ha, Green City 7ha (DXG), Chung cư Bình Trưng Đông (HQC), Khu dân cư Phú Mỹ 21 ha (HDC).
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú ý đánh giá mức độ hưởng lợi và dư địa phát triển của các doanh nghiệp này dựa trên: năng lực triển khai của từng chủ đầu tư như: chính sách bán hàng, sức mạnh tài chính, quy hoạch dự án, đầu tư xây dựng…
Sân bay Quốc tế Long Thành được ví như “cửa ngõ quốc gia” với diện tích khoảng 5.000ha, bao gồm 4 đường băng, 4 nhà ga cùng công suất ước tính lên đến 100 triệu hành khách với mức vốn đầu tư là 16 tỷ USD. Thời gian dự kiến vào hoạt động năm 2025 và sẽ thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước, dẫn đến nhu cầu về các dự án nhà ở, khu phức hợp thương mại và dịch vụ sẽ tăng cao. Cộng hưởng cùng với hệ thống cảng biển, các tuyến đường cao tốc, đường Vành đai 3, 4… hoàn thành đưa vào khai thác sẽ tạo ra đột phá trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, bất động sản. Theo đó, thị trường bất động sản Đồng Nai chuyển biến tích cực hơn với các đánh giá Đồng Nai có vị thế tiếp giáp Q.9, Thủ Đức, Bình Dương và là cửa ngõ tiến ra biển nên được hỗ trợ nhiều về cơ sở hạ tầng theo định hướng phát triển về phía Đông của TP.HCM. Nếu như trước đây, các sản phẩm bất động sản trên địa bàn Đồng Nai chủ yếu tập trung vào công nghiệp, đất nền thì giờ đây các khu đô thị, khu dân cư, resort, trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp, sân gôn…bắt đầu nảy nở. Cú hích từ sân bay Long Thành kích thích dòng vốn trong và ngoài nước chảy vào thị trường bất động sản Đồng Nai. Siêu dự án 16 tỷ USD được đẩy nhanh tiến độ “làm nóng” thị trường nhà đất Đồng Nai nên không ít nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán quan tâm vào các cổ phiếu doanh nghiệp có quỹ đất tại Đồng Nai (đặc biệt là gần sân bay). Những dự án “đắp chiếu” thời gian dài trước đây khi thị trường bất động sản chung đóng băng cũng đã và đang có cơ hội “hồi sinh”. Nhiều chủ đầu tư tái cấu trúc tài chính, liên kết với nhà đầu tư nước ngoài để tái triển khai dự án. |
Nghệ Nhân