Nông sản Việt Nam xuất khẩu bị giảm giá trị do thiếu thương hiệu

22:29 29/06/2023

Mặc dù Châu Âu là thị trường lớn, có nhu cầu nhập khẩu nhiều các loại trái cây, rau củ,... nhưng nông sản Việt Nam khi xuất khẩu vẫn bị giảm 80% giá trị sản phẩm do không có thương hiệu hoặc dán nhãn thương hiệu Việt Nam.

Được nhận định Châu Âu là thị trường lớn, có nhu cầu nhập khẩu nhiều các loại trái cây, rau củ, đặc biệt là rau gia vị. Người dân châu Âu sẵn sàng trả giá cao hơn các thị trường khác để nhập khẩu và tiêu dùng các sản phẩm nông sản chất lượng cao, có thương hiệu. Thế nhưng nông sản Việt Nam vẫn chưa đạt giá trị cao và được thị trường nước bạn biết đến rộng rãi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nông sản Việt Nam rất đa dạng, giá cả phải chăng như cà phê, lúa gạo, hoa quả nhiệt đới… có nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi để xuất khẩu nông sản vào châu Âu. Nhưng do sản xuất với giá thành thấp, tên tuổi, vị thế nông sản Việt vẫn chưa thể định hình, định danh trên thị trường và chưa được người tiêu dùng châu Âu, quốc tế biết đến nhiều. Khi có tới gần 80% sản phẩm đến tay người tiêu dùng không có thương hiệu hoặc dán nhãn thương hiệu Việt Nam, hay dưới danh nghĩa của những doanh nghiệp nước ngoài… Trước thực tế đó, thời điểm hiện tại có thể nói việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi chúng ta mở được nhiều cánh cửa thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU... qua các hiệp định thương mại đa phương, song phương đã ký kết và có hiệu lực.

Hệ thống phân phối ở châu Âu luôn ưu tiên bán sản phẩm theo nhu cầu của người tiêu dùng. Đầu năm nay, một hệ thống phân phối lớn toàn cầu đã tổ chức kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với hệ thống bán lẻ ở Pháp. Qua các buổi làm việc, xúc tiến, kết nối, các doanh nghiệp bán lẻ sẵn sàng đưa sản phẩm nông sản Việt vào các hệ thống nếu đủ tài liệu liên quan đến marketing.

Doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận thị trường hiệu quả cần đầu tư nhiều cho marketing, tiếp thị để thấu hiểu được nhu cầu tiêu dùng ở thị trường đích. Việt Nam có nhiều sản phẩm OCOP chất lượng nhưng không phải tất cả sản phẩm này đều phù hợp với các thị trường. Có sản phẩm có thể cung ứng ở châu Âu như thị trường Pháp, Phần Lan hoặc có sản phẩm bán sang các thị trường khác như Philippin chẳng hạn. Song song đấy các doanh nghiệp phải làm nhiều việc khác liên quan đến nâng cao nhận thức, xây dựng thương hiệu và gắn với đó là những tích chuyện, văn hoá vùng miền của sản phẩm.

Để xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản, theo ông Văn Hữu Huệ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long: Các cấp, các ngành cần quan tâm tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp thiết lập các vùng chuyên canh sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Thực hiện các chính sách khuyến khích xây dựng và bảo hộ các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, truyền thống của các địa phương...

Ngọc Phi (TH)