Những nhà khởi nghiệp nhí làm chơi ăn tiền thật

00:00 12/10/2020

Không chỉ người lớn, trẻ em ngày nay cũng điều hành cho mình những doanh nghiệp mạnh mẽ với sản phẩm sáng tạo, thiết thực.

Đã qua rồi cái thời trẻ em kiếm bạc lẻ từ những gian hàng ở hội chợ sân trường. Giờ đây, doanh nhân nhí điều hành công ty thực thụ, gặp người nổi tiếng và các đối tác, khách hàng và điều phối cả chuỗi sản xuất.

Không chỉ có ý tưởng, các em còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ người lớn, vì thế nếu con bạn cũng manh nha muốn khởi nghiệp, đừng ngần ngại cùng phụ một tay. Dưới đây là những cô cậu bé đã mở công ty từ khi còn ngồi ghế nhà trường.

Mikaila Ulmer và ý tưởng khi bị ong chích

Lúc nhỏ, Mikaila Ulmer bị ong chích hai lần trong một tuần, cô bé cảm thấy đau rát và muốn tiêu diệt loài côn trùng phiền phức này đi. Trong một lần về thăm bà, cô bé biết được ong có vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái và mỗi khi ong chích ai đó, kim đâm sẽ kẹt lại trong da người rồi chúng sẽ chết. Cô không ghét nữa mà lại thương ong.

Những nhà khởi nghiệp nhí làm chơi ăn tiền thật - 1

Mikaila bây giờ là thiếu nữ tuổi 15 đã có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình.

Sau đó, Mikaila được mẹ và cô giáo khuyến khích tham gia cuộc thi khởi nghiệp năm 4 tuổi, em đã nảy ra ý tưởng bảo vệ những chú ong. Năm 2009, cô bé mở quầy nước chanh nhỏ dựng bên đường, công thức ngoài nước cốt chanh tươi còn có mật ong lấy từ nông trại trong vùng.

Với mỗi ly nước chanh được bán ra, em sẽ trích tiền gửi về các nông trại nhằm phát triển hơn nữa những tổ nuôi ong. Sau nhiều lần dự hội chợ khởi nghiệp, thương hiệu “Me & the Bees Lemonade” của Mikaila được chú ý và trở thành chuỗi thức uống xuất hiện tại những trung tâm thương mại lớn, đến nay vẫn hoạt động lớn mạnh.

Những nhà khởi nghiệp nhí làm chơi ăn tiền thật - 2

Sản phẩm nước chanh mật ong của cô bé được bày bán rộng khắp ở Mỹ.

“Em được gặp nhiều người nổi tiếng, những doanh nhân thành đạt và được họ trao cho cơ hội để phát triển bản thân cũng như là công ty. Em rất thích được chia sẻ câu chuyện của mình về loài ong và mong muốn mọi người cũng chung tay giữ gìn hệ sinh thái bền vững,” cô bé chia sẻ.

Erik Finman khởi nghiệp khi bỏ học

Bị bắt nạt ở lớp, phải chuyển trường liên tục đến nỗi giáo viên khuyên hãy nghỉ học mà đi làm, Erik Finman đã làm theo nhưng cậu chỉ là không đến trường chứ không ngừng hẳn việc học. Sau thời gian ở nhà tự mày mò, chàng trai lúc đó ở tuổi 15 chính thức giới thiệu Botangle.

Những nhà khởi nghiệp nhí làm chơi ăn tiền thật - 3

Bỏ học tuổi 15, Erik Finman vẫn thành công bằng sự mày mò và óc sáng tạo. Ngoài dự án khởi nghiệp, cậu còn là triệu phú Bitcoin với những quyết định đầu tư chính xác.

Sản phẩm này vừa là robot gia sư tại nhà, vừa là phần mềm dạy học trực tuyến. Erik dùng 100.000 USD có được từ đầu tư Bitcoin để phát triển sản phẩm, với mong muốn giúp những người cũng bị hệ thống giáo dục quốc gia hắt hủi. Botangle bây giờ là một nền tảng đón tiếp hàng ngàn học viên mỗi ngày.

Qua dịch Covid-19, càng nhiều người tìm đến nền tảng của cậu vì ai cũng có thể đi học chỉ cần qua màn hình máy tính hay điện thoại. Erik nâng cấp hệ thống liên tục, bây giờ đã có hỗ trợ thực tế ảo và hội nghị trực tuyến, giúp lớp học trên mạng ngày càng gần gũi và hiệu quả hơn.

Những nhà khởi nghiệp nhí làm chơi ăn tiền thật - 4

Erik nói về dự án của mình tại TED Talks

“Điều thú vị nhất khi khởi nghiệp chính là được đi nhiều nơi, gặp nhiều người mà đó không phải là cô giám thị hay thầy hiệu trưởng. Em mong muốn có một nền tảng giáo dục dành cho những học sinh bị bắt nạt nhưng không được bảo vệ như em,” cậu chia sẻ.

Alina Morse cùng đế chế kẹo ngọt triệu đô

Cô bé Alina Morse đã được đặt chân đến Nhà Trắng nhiều lần nhưng không phải khách du lịch, mà là khách mời được đích thân Đệ nhất phu nhân Michelle Obama hẹn riêng. Với sản phẩm kẹo ngọt thân thiện với răng miệng, bé gái 13 tuổi đã gây dựng được cho mình đế chế triệu đô.

Những nhà khởi nghiệp nhí làm chơi ăn tiền thật - 5

Alina Morse – CEO nhí 13 tuổi của hãng kẹo triệu đô Zollipops

Trong một lần đi cùng bố, Alina được cho kẹo nhưng em không ăn vì sợ sâu răng. Ý tưởng kẹo không sâu răng xuất phát khi đó và bây giờ nó được gọi là kẹo mút Zollipops, sản phẩm này không chứa đường mà sử dụng các chất làm ngọt tự nhiên như như xylitol và erythritol.

Theo các chuyên gia hàng đầu trong ngành nha học, các chất tự nhiên này giúp giảm mảng bám răng và vi khuẩn trong miệng, tức là không hại răng mà còn giúp ích. Cuối năm 2019, công ty của Alina đã đạt doanh thu 6 triệu USD và đang tăng nhanh chóng khi mở rộng bán hàng trên Amazon.

Những nhà khởi nghiệp nhí làm chơi ăn tiền thật - 6

Alina Morse gọi vốn từ các nhà đầu tư trên Shark Tank năm 2016

“Trẻ con không có quá nhiều nỗi sợ hãi như người lớn, nên con bé cứ thoải mái làm những gì mà nó thích, kinh doanh phát triển là do cô bé không hề đặt ra giới hạn cho công việc của mình. Tôi thích cách con mình làm việc khi thiếu kinh nghiệm và được dẫn dắt bởi gia đình,” bà Sue, mẹ của Aline cho biết.

Isabella Rose Taylor với bộ sưu tập thời trang đắt giá

Ở tuổi 12, Isabella Rose Taylor đã đạt được thành tích ấn tượng mà nhiều người lớn mong muốn có được: bộ sưu tập thời trang được bán tại chuỗi thương hiệu Nordstrom. Những thiết kế mang tông màu chủ đạo là trắng, đen, xám được phát triển từ cảm hứng cá nhân, lại lọt vào mắt xanh của giới chuyên gia.

Những nhà khởi nghiệp nhí làm chơi ăn tiền thật - 7

Hiện ở tuổi 15, Isabella đã có 7 năm làm về thời trang khi được cha mẹ hướng dẫn từ năm 8 tuổi.

Khi Isabella trở thành nhà thiết kế trẻ nhất tại Nordstrom, cô bé nhanh chóng phát triển năng lực bản thân để xây dựng thương hiệu thời trang cho riêng mình. Lấy chính tên mình đặt cho sản phẩm, em nhanh chóng hút được rất nhiều tín đồ thời trang tìm đến và chọn mua quần áo.

Giờ đây ở tuổi 15, Isabella đã vào đại học với chuyên ngành thiết kế thời trang, cô bé cũng tham gia nhiều câu lạc bộ, hội nhóm dành cho những doanh nhân trẻ và liên tục ra mắt sản phẩm mới dù vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường.

Những nhà khởi nghiệp nhí làm chơi ăn tiền thật - 8

Những bộ cánh trẻ trung và năng động do chính Isabella thiết kế

“Khởi nghiệp là một trải nghiệm tuyệt vời, em không chỉ gặp được giới doanh nhân thành đạt mà còn được gặp chuyên gia nổi tiếng trong ngành thời trang. Việc gặp gỡ không chỉ tạo dựng mối quan hệ, mà giúp em chia sẻ câu chuyện và lan truyền cảm hứng cho nhiều người khác,” cô bé tâm sự.

Brandon Boynton và phần mềm chống bắt nạt

Cũng bị ăn hiếp tại trường nhưng Brandon Boynton không gọi điện thoại đến trung tâm hỗ trợ sức khỏe tinh thần mà lại tìm đến một doanh nhân. Lúc này, cậu bé 14 tuổi đã suy nghĩ rất nhiều và rất tiêu cực, thậm chí muốn kết thúc cuộc đời, nhưng chợt lóe lên một ý tưởng muốn tìm kiếm công lý nhưng không phải bằng thù hận.

Những nhà khởi nghiệp nhí làm chơi ăn tiền thật - 9

Phần mềm BullyBox lấy ý tưởng từ chính bản thân, một đứa mọt sách bị bắt nạt trong lớp

Brandon biến hộp thư báo cáo ẩn danh về các trường hợp bắt nạt tại trường thành một app trên điện thoại, những đứa trẻ như cậu có thể dùng nó để gửi tin nhắn đến giáo viên, nhà trường để có hướng giải quyết. The BullyBox đã thành công với sự giúp đỡ của cha mẹ và người doanh nhân cậu gọi điện thoại lúc đó.

Quay trở lại trường cũ với sản phẩm đầu tay, Brandon nói chuyện bình đẳng với thầy cô giáo và những đứa thô lỗ ngày trước, cậu giới thiệu sản phẩm mới và cho biết đây không phải là trò chơi ảo, đây là ứng dụng giúp đỡ cho cuộc sống thật. Ý tưởng nhân văn đã giúp app lan rộng khắp 22 bang Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, New Zealand và Pháp.

Những nhà khởi nghiệp nhí làm chơi ăn tiền thật - 10

Brandon giờ là sinh viên ưu tú tại đại học danh giá bậc nhất của Mỹ với dự án nhân văn của mình

“Là một doanh nghiệp xã hội, tôi không chỉ kiếm ra tiền mà còn mong muốn sản phẩm của mình giúp ích những người yếu thế, bằng cách này tôi hy vọng mở con đường mới cho những người giống mình để họ vươn lên và sống tích cực,” chàng trai 19 tuổi được học bổng toàn phần Đại học Purdue chia sẻ.

 Quang Niên