Những nguyên nhân lí giải cho áp lực giảm giá dầu thế giới. (Ảnh: Reuters/Brendan McDermid). |
Theo đó, hợp đồng tương lai dầu Brent giao tháng 12 đã giảm 60 cent, tương đương 0,8%, còn 73,69 USD/thùng lúc 14:17 (giờ Hà Nội). Hợp đồng tương lai dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giao tháng 11 giảm 6 cent, xuống 70,50 USD/thùng. Hợp đồng tương lai WTI giao tháng 12 đã giảm 57 cent, tương đương 0,8%, xuống 69,47 USD/thùng.
Cả Brent và WTI đều tăng gần 2% vào thứ Hai (21/10), phục hồi sau mức giảm hơn 7% vào tuần trước, trong bối cảnh không có dấu hiệu ngừng chiến tại Trung Đông và thị trường vẫn lo ngại về khả năng Israel sẽ trả đũa Iran, điều có thể dẫn đến việc gián đoạn nguồn cung dầu.
Theo bà Priyanka Sachdeva, nhà phân tích cấp cao tại Công ty môi giới Phillip Nova, đà tăng hôm thứ Hai có thể được lý giải bởi hoạt động chốt lời kỹ thuật và mua vào để bù đắp vị thế bán trong bối cảnh xu hướng giảm giá của dầu, với các dự báo cho thấy nhu cầu dầu vẫn yếu trong khi thị trường cũng đang thừa cung.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Israel vào thứ Ba (22/10), điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông, nơi ông sẽ tìm cách khôi phục các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Gaza và giảm thiểu xung đột lan rộng tại Lebanon.
"Giá dầu thô đang dao động phản ứng với các tin tức trái chiều từ Trung Đông, khi tình hình thay đổi giữa leo thang và hạ nhiệt", Satoru Yoshida, nhà phân tích hàng hóa tại Rakuten Securities, cho biết.
Ông nói thêm: "Thị trường được dự đoán sẽ tăng nếu có những dấu hiệu rõ ràng hơn về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, được hỗ trợ bởi các biện pháp kích thích từ Bắc Kinh và sự cải thiện của nền kinh tế Mỹ sau khi cắt giảm lãi suất". Tuy nhiên, mức tăng có thể bị hạn chế do sự bất định kéo dài về triển vọng kinh tế toàn cầu.
Vào thứ Hai, Trung Quốc đã cắt giảm các mức lãi suất cho vay chuẩn như dự kiến, sau khi giảm các lãi suất chính sách khác vào tháng trước như một phần của gói kích thích nhằm hồi sinh nền kinh tế đang suy yếu của nước này. Động thái này diễn ra sau khi dữ liệu công bố vào thứ Sáu cho thấy kinh tế Trung Quốc trong quý III đã tăng trưởng chậm nhất kể từ đầu năm 2023, làm gia tăng lo ngại về nhu cầu dầu.
Tuy nhiên, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, dự báo nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ duy trì ở mức yếu trong năm 2025, mặc dù gần đây có các biện pháp kích thích từ Bắc Kinh, nhưng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang điện hóa hệ thống phương tiện của mình và chứng kiến mức tăng trưởng chậm hơn.
Tuy nhiên, Saudi Aramco vẫn “khá lạc quan” về nhu cầu dầu của Trung Quốc, đặc biệt là trước gói kích thích của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng, người đứng đầu tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi cho biết hôm thứ Hai.
Căng thẳng Iran-Israel làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu Giá dầu sẽ thế nào nếu có gián đoạn nguồn cung ở eo biển Hormuz? Giá xăng dầu hôm nay 22/10/2024: Giá dầu thế giới bật tăng trở lại |
Ngoài ra, áp lực giảm giá lên thị trường dầu còn đến từ sức mạnh của đồng USD do lạm phát toàn cầu dần giảm bớt, theo phân tích của Phillip Nova. Đồng USD mạnh hơn thường làm giá dầu giảm do hàng hóa được định giá bằng USD trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.
Theo một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters hôm thứ Hai, Dự trữ dầu thô của Mỹ có khả năng đã tăng vào tuần trước, trong khi dự trữ dầu cất và xăng được cho là đã giảm.