Những "cá mập" đã làm gì trong năm Covid khi Shark Tank Việt Nam phải tạm dừng?

09:17 08/02/2021

Covid-19 khiến Shark Tank Việt Nam mùa 4 phải tạm dừng triển khai trong năm 2020 so với dự kiến. Vì vậy, độ phủ hình ảnh của các Shark cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên rất nhiều người vẫn kịp ghi dấu ấn với các kế hoạch riêng của bản thân.

Năm 2020, Shark Liên cũng có những dự án đầu tư cho riêng mình bên cạnh Shark Tank. Tháng 7/2020, bà đã đầu tư hàng triệu USD vào các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, môi trường, văn hóa, cộng đồng và bình đẳng giới.

Ngoài ra, bà cũng mở một vài khóa học kinh doanh và đào tạo trực tuyến miễn phí cho nhóm cộng đồng hâm mộ. Trong các khóa học, bà cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm về kĩ năng lãnh đạo.

Tới cuối năm 2020, bà xuất bản một cuốn sách với tên "Liên- người được chọn". Không lâu sau đó, "cá mập" này bất ngờ công bố hình ảnh cạo trọc đầu cùng chồng cùng lời khuyên "là phụ nữ, nên thử cạo trọc ít nhất một lần trong đời".

Shark Liên khoe ảnh cạo trọc đầu trên Facebook cá nhân (Ảnh: FBNV).
Shark Liên khoe ảnh cạo trọc đầu trên Facebook cá nhân (Ảnh: FBNV)..

Giống Shark Liên, Shark Việt cũng thường xuyên chia sẻ các câu chuyện trên mạng xã hội. Những chủ đề ông chia sẻ tương đối sát với các vấn đề được xã hội quan tâm, từ khởi nghiệp, khóa học làm giàu, cho tới cách vượt khó trong mùa COVID-19 cho các doanh nghiệp.

Thời điểm dịch COVID-19 làn sóng đầu tiên lắng xuống, ông Việt cùng Intracom đã hoàn tất những khâu thẩm định cuối cùng và đầu tư vào Dalat Foodie, một startup ông từng cam kết đầu tư trên sóng Shark Tank mùa 3.

Nổi bật nhất có lẽ phải kể đến Shark Dũng. Sau nhiều năm gắn bó với quỹ đầu tư CyberAgent, Shark Dũng đã khiến giới khởi nghiệp bất ngờ khi quyết định tách ra làm riêng, cùng một gương mặt nữ quen thuộc là bà Lê Hoàng Uyên Vy, thành lập Do Ventures.

Shark Dũng tự mình khởi nghiệp với Do Ventures (Ảnh: TechCrunch).
Shark Dũng tự mình khởi nghiệp với Do Ventures (Ảnh: TechCrunch).

Đây là quỹ đầu tư sẽ theo sát startup và rót vốn từ vòng Seed đến vòng series B, trong đó tổng số tiền đầu tư cho một công ty có thể lên đến 5 triệu USD. Ở các vòng sau, quỹ sẽ mời gọi những nhà đầu tư danh tiếng khác cùng tham gia rót vốn nhằm gia tăng nguồn lực cho startup.

Ngay sau thời điểm ra mắt khoảng 1 tháng, đầu tháng 10/2020 do Ventures đã công bố thương vụ đầu tiên khi rót vốn vào F99, nền tảng bán trái cây trực tuyến mới nổi của Việt Nam. Khoản vốn trị giá hơn 20 tỷ động, được tiết lộ sẽ giúp startup tiếp tục đầu tư phát triển nền tảng công nghệ, xây dựng chuỗi cung ứng lạnh và hệ thống phân phối.

Tương tự Shark Dũng, trong năm 2020, Shark Bình cũng tiếp tục rót vốn vào nhiều startup trong giới công nghệ. Cụ thể, quỹ Next100 của Shak Bình đã đầu tư vào một vài startup đáng chú ý như Bot Bán Hàng, CNV Loyalty hay CVS eKYC. Mỗi thương vụ trị giá 500.000 USD.

Cũng trong năm qua, NextPay (được thành lập sau thương vụ sáp nhập giữa ví điện tử Vimo-online và Công ty mPoS chuyên phát triển công nghệ điểm bán hàng mPoS-offline) đã lên kế hoạch huy động 60 -100 triệu USD, chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán vào năm 2022.

Trong năm 2020, Shark Hưng cũng quyết định đầu tư vào một nền tảng mà ông cam kết đầu tư trên sóng truyền hình là Revex. Trước đó, Revex đã nhận cam kết đầu tư 1 triệu USD từ CenGroup, với đại diện là Shark Hưng. Đây là một nền tảng mua chung bất động sản với mô hình hoạt động khá mới tại thị trường Việt Nam.

Bảo Bảo