Nhu cầu nhập khẩu nghêu, ngao Việt của EU dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022

13:36 22/12/2021

EU - thị trường có thu nhập bình quân đầu người và yêu cầu về sản phẩm nhập khẩu cao bậc nhất thế giới đang có nhu cầu nhập khẩu nghêu, ngao Việt trong năm tới với việc chất lượng sản phẩm của chúng ta đã đáp ứng các tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe của các thị trường trong khu vực này.

Ngao ở Tây Ban Nha
Ngao ở Tây Ban Nha. (Ảnh: MY KITCHEN IN SPAIN)

Cụ thể, EU là thị trường nhập khẩu nghêu, ngao lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng hơn 60% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của chúng ta ra quốc tế, với tổng kim ngạch xuất khẩu nghêu, ngao của Việt Nam sang EU tính đến tháng 11 năm nay dừng ở mức gần 74 triệu USD, tăng gần 39% so với cùng kỳ 2020. Bên cạnh đó, những thị trường lớn nhất của chúng ta trong Liên minh châu Âu bao gồm Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. 

Theo số liệu tổng hợp, xuất khẩu nghêu, ngao sang Ý - thị trường đơn lẻ lớn nhất khối với tỷ trọng chiếm 30% tổng xuất khẩu mặt hàng này sang EU, đạt trên 22 triệu USD (tăng gần 1 nửa so với cùng kỳ năm ngoái). Các sản phẩm nghêu, ngao chính xuất sang Ý bao gồm ngao nâu nguyên con đông lạnh, ngao nâu luộc đông lạnh, ngao trắng luộc đông lạnh, ngao lụa thịt hấp đông lạnh, thịt ngao chế biến làm sạch đông lạnh.

Với thị trường Tây Ban Nha thì xứ sở bò tót đã nhập khẩu các sản phẩm nghêu, ngao Việt dừng ở mức trên 21 triệu USD, tăng hơn 40% với cùng năm 2020. Đất nước hàng xóm Bồ Đào Nha cũng đã nhập khẩu nghêu ngao Việt với trị giá 17,5 triệu USD, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm nghêu, ngao chính xuất khẩu sang 2 thị trường nêu trên là ngao trắng và ngao nâu hấp đông lạnh.

Về giá cả, giá trung bình xuất khẩu sang Italy dao động từ 2,35 – 2,69 USD/kg, trong khi giá trung bình xuất khẩu sang Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha dao động từ 1,7 – 2 USD/kg. Pháp đứng thứ 6 về xuất khẩu nghêu, ngao của Việt Nam trong khối EU, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nghêu, ngao Việt sang Pháp cùng kỳ là tốt nhất với con số trên 190%.

Nguyên do chủ yếu cho hiện trạng này và nhu cầu năm tới của EU về nghêu, ngao Việt còn tăng là do nhu cầu của các thị trường tăng và sản xuất nghêu, ngao ổn định và ưu đãi thuế từ Hiệp định EVFTA.

Cụ thể, nguồn nguyên liệu trong nước dồi dào nên nghêu, ngao Việt Nam đã tạo ra có nhiều lợi thế để gia tăng xuất khẩu nhất là thị trường các nước châu Âu và một số doanh nghiệp đã kiểm soát được vùng nuôi, nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến hiện đại đảm bảo chất lượng đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường.

Giới chuyên môn cũng lưu ý, để đáp ứng thị trường xuất khẩu khắt khe thì chúng ta cần đầu tư các dây chuyền công nghệ làm sạch ngao và chế biến ngao tươi sống, đông lạnh và đồ hộp khá hiện đại, trang bị nhiều máy móc và thiết bị tiên tiến đảm bảo chất lượng các loại sản phẩm chế biến từ ngao đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Mai Hạnh