Nhiều người mất tiền vì app “chăn nuôi”….Online

13:27 02/05/2021

App “chăn nuôi Online” có tên Bounty núp bóng đầu tư tài chính lừa đảo người chơi, nhiều người vì ham lợi nhuận đã phải trắng tay chỉ sau…. 2 tháng.

Theo tìm hiểu, Bounty là ứng dụng kiếm tiền từ “chăn nuôi Online”, người chơi sẽ kiếm được tiền nếu nộp tiền vào đây và làm theo các nhiệm vụ mà app đưa ra. Nhiệm vụ được giao bao gồm thả tim, follow, đăng ký các tài khoản TikTok, Facebook, YouTube. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, người tham gia phải chụp màn hình để xác nhận. Được biết, các tài khoản TikTok, YouTube, Facebook trong nhiệm vụ đều đến từ các kênh bán hàng online. 

Mô hình kiếm tiền đơn giản của App Bounty
Mô hình kiếm tiền đơn giản của App Bounty. 

Bounty chia người dùng thành 10 cấp. Ở cấp phổ thông, khi hoàn thành một "nhiệm vụ", người tham gia được trả 1.000 đồng, mỗi ngày chỉ được tham gia 10 nhiệm vụ. Với mỗi gói V.I.P sẽ bao gồm số lượng nhiệm vụ nhất định. Gói V.I.P càng đắt, số nhiệm vụ càng nhiều đồng nghĩa tiền hoa hồng càng cao. 

Các gói VIP của App, người chơi phải bỏ tiền ra mua các gói này để có cơ hội kiếm tiền nhiều hơn
Các gói VIP của App, người chơi phải bỏ tiền ra mua các gói này để có cơ hội kiếm tiền nhiều hơn.

Bên cạnh nâng cấp gói, Bounty cũng khuyến khích người tham gia giới thiệu bạn bè để nhận thêm hoa hồng khi "cấp dưới" hoàn thành nhiệm vụ hay nạp tiền. Mặc dù chưa biết người đứng sau là ai, nhiều người vẫn bỏ tiền túi hàng trăm triệu ra để mua các gói từ ứng dụng này. 

Mô hình trả hoa hồng theo cấp bậc
Mô hình trả hoa hồng theo cấp bậc. 

Về giao diện, web Bounty được thiết kế sơ sài. Bounty không phát hành ứng dụng trên AppStore hay Google Play mà chỉ có phiên bản web. Đây là dấu hiệu thường thấy ở các ứng dụng lừa đảo. Ngoài ra, app này còn kêu gọi người dùng tham gia các chương trình trúng thưởng có liên kết hoặc tài trợ bởi những thương hiệu lớn.

Thế nhưng cho đến sáng ngày 24/4, các hội nhóm Bounty đồng loạt bị giải tán. Tiếp đến, ngày 27/4, trang web của ứng dụng này chuyển sang giao diện tiếng Trung Quốc. Nhiều người mới “tá hỏa” khi biết mình bị lừa, một kết cục “đắng” cho những người muốn kiếm tiền đơn giản mà bất chấp.

“Lùa gà” sang ứng dụng mới để “thịt”

Đáng chú ý, sau khi app sập, một vài tài khoản tiếp tục đăng bài trong nhóm Facebook “Bounty- kiếm tiền”. Nội dung chủ yếu kêu gọi các thành viên nạp thêm tiền để rút lại một phần hoặc toàn bộ số tiền đã đầu tư, tùy theo các mức nhất định.

Sau khi Bounty sập, nhóm Facebook "Bounty - Kiếm tiền" vẫn xuất hiện nhiều lời chào mời tham gia các ứng dụng tương tự. Điểm chung của những bài đăng này đều nhấn vào yếu tố "app mới lập" hoặc "gỡ vốn sau Bounty".  Đáng chủ ý, ở phần thông tin thanh toán của một trong các app này, một số nạn nhân nhận ra số tài khoản của người từng chuyển tiền trước đó trong Bounty. Có thể nói các ứng dụng này đều cùng chủ sở hữu với Bounty!

Nhiều người vẫn có tư tưởng rằng tham gia đầu tư vào các mô hình đa cấp (như Bounty) trong thời gian đầu và rụt trước khi sàn sập thì sẽ không bị lừa, tuy nhiên nhiều vụ lừa đảo gần đây cho thấy thời gian từ lúc xuất hiện tới khi “xù” tiền của người chơi đang rút ngắn lại (như Bounty chỉ tồn tại 2 tháng). Do đó, người dân nên cảnh giác trước những mô hình có dấu hiệu kinh doanh đa cấp biến tướng, tốt nhất không nên tham gia hay xúi giục nhường khác tham gia để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. 

P.V