Nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Na Uy

14:31 01/03/2023

Thông qua hợp tác giữa 2 nước, có thể phát triển các thực tiễn xanh hơn và bền vững cho ngành thủy sản Việt Nam, qua đó tiếp tục truyền cảm hứng cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành.

Ảnh minh họa
Thu hoạch hải sản ở vùng biển Na Uy

"Người Na Uy tiêu thụ khoảng 19,5 kg cá và sản phẩm cá mỗi năm. Điều đó có nghĩa thị trường hải sản ở Na Uy vẫn có rất nhiều tiềm năng để mở rộng. Tôi nhìn thấy cơ hội đầy hứa hẹn cho thủy sản Việt Nam, đặc biệt là tôm và cá tra. Nói chung, người dân Na Uy rất chú trọng đến thực phẩm tốt cho sức khỏe và chất lượng cao. Người dân cũng mong muốn các sản phẩm được dán nhãn mác rõ ràng về nguồn gốc, có chứng nhận kiểm tra xem có bất kỳ chất độc hại nào và đảm bảo an toàn thực phẩm không", ông Erling Rimestad, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy, cho biết.

Theo Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy Erling Rimestad, xuất khẩu thủy sản Na Uy đứng thứ hai trên thế giới và Việt Nam đứng thứ ba.

"Chúng ta đang là những quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu nhưng không vì thế mà trở thành đối thủ cạnh tranh với nhau, thực tế là chúng ta bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Na Uy xuất khẩu các loài như cá hồi, cá tuyết, cua hoàng đế và tôm từ biển. Việt Nam là nhà cung cấp lớn cá tra và tôm nuôi" - ông Erling Rimestad nói.

Dẫn số liệu từ Hội đồng Thủy sản Na Uy, ông Erling Rimestad ví xuất khẩu thủy sản của Na Uy tương đương với 40 triệu bữa ăn mỗi ngày trong năm, được phục vụ ở gần 150 quốc gia.

"Tôi không biết có bao nhiêu bữa ăn trong số đó được phục vụ ở Việt Nam, nhưng tôi biết rằng Việt Nam có mức tiêu thụ hải sản cao nhất thế giới, với 37kg mỗi người mỗi năm. Người Na Uy cần cố gắng theo cho kịp, bởi chúng tôi chỉ ăn 19,5kg mỗi năm. Chúng ta nên ăn nhiều hải sản hơn" - ông Erling Rimestad chia sẻ.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2022, Việt Nam nhập khẩu hơn 259 triệu USD từ Na Uy và xuất khẩu hơn 9 triệu USD vào thị trường này.

Ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết năm 2022 xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Na Uy đạt khoảng 10 triệu USD nhưng ở chiều ngược lại Việt Nam đã chi 260 triệu USD để nhập khẩu thủy sản.

Ảnh minh họa
Có nhiều cột mốc quan trọng trong xuất khẩu thủy sản của Na Uy vào năm 2022. Lần đầu tiên, Na Uy xuất khẩu thủy sản trị giá hơn 10 tỷ NOK mỗi tháng trong 12 tháng của năm. Ngoài ra, xuất khẩu cá hồi đã vượt quá 100 tỷ NOK.- điều chưa bao giờ xảy ra trước đây.

Trong Hội thảo "Việt Nam - Na Uy: Cơ hội hợp tác trong nuôi trồng và xuất khẩu thủy hải sản" ngày 28/2, Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của NSC Ông Asbjørn Warvik Rørtveit đã chia sẻ về câu chuyện thành công của sản phẩm cá hồi Na Uy. Ông nhấn mạnh: "Cốt lõi của ngành nuôi trồng thủy sản Na Uy là sự kết hợp giữa kiến thức truyền thống và khoa học hiện đại, coi bảo vệ môi trường là tiêu chí quan trọng".

Cũng nhân dịp này, NSC đã công bố kế hoạch hoạt động tại Việt Nam, bao gồm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để ngày càng có nhiều khách hàng biết tới sự hiện diện của hải sản Na Uy. NSC cũng có những chương trình, kế hoạch gặp gỡ, kết nối và thúc đẩy thương mại giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của hai nước.

Với đường bờ biển dài tương tự nhau, Na Uy và Việt Nam đều là những quốc gia xuất khẩu thủy hải sản hàng đầu thế giới. Na Uy là quốc gia có ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tiên phong thế giới với các giá trị cốt lõi là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường song song với việc không ngừng nâng cao giá trị kinh tế và uy tín của thủy sản quốc gia trên toàn cầu. Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững và có trách nhiệm.

Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2021 cũng đã đặt ra một số mục tiêu cho ngành thủy sản của Việt Nam trong đó có giảm dần cường lực khai thác nguồn lợi tự nhiên và tăng cường nuôi trồng thủy sản tại các khu vực phù hợp.

Na Uy có nhiều bài học hữu ích trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành để chia sẻ với Việt Nam nhằm giúp các hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững hơn và phát thải carbon thấp hơn. Thông qua việc hợp tác cùng nhau, 2 nước có thể phát triển các thực tiễn xanh hơn và bền vững cho ngành thủy sản Việt Nam, qua đó tiếp tục truyền cảm hứng cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành, và để Na Uy và Việt Nam trở thành các quốc gia thủy sản vừa thành công vừa có trách nhiệm.

Bình Phương t/h