Sau phiên họp chính sách kéo dài 2 ngày, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm 31/7 thông báo nâng lãi suất tham chiếu lên quanh 0,25%, từ mức 0-0,1% trước đây. Quyết định sẽ được thực hiện từ ngày 1/8.
BOJ giải thích lãi suất tăng do họ nhận thấy việc tăng lương được thực hiện trên diện rộng và doanh nghiệp sẽ tăng giá sản phẩm, dịch vụ để bù vào chi phí nhân công. "Do lạm phát thực vẫn ở mức thấp, BOJ sẽ tiếp tục nâng lãi suất và điều chỉnh chính sách tiền tệ để nền kinh tế và giá đi đúng mục tiêu", thông báo viết.
Theo một cuộc khảo sát do Nikkei và QUICK đồng thực hiện từ ngày 23-25/7, chỉ có 26% người tham gia thị trường kỳ vọng lãi suất sẽ tăng. Hầu hết các nhà kinh tế đều dự đoán BOJ sẽ hoãn tăng lãi suất vào tháng 7, vì cho rằng cơ quan này muốn đợi cho đến chắc chắn về sự phục hồi của tiêu dùng cá nhân. Chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Nhật Bản đã chậm lại trong 4 quý liên tiếp vì tăng trưởng tiền lương không theo kịp lạm phát trong suốt 2 năm qua.
BoJ cũng quyết định cắt giảm lượng trái phiếu chính phủ mua vào hằng tháng, xuống còn 3.000 tỷ yen/tháng (xấp xỉ 20 tỷ USD/tháng ) từ mức 6.000 tỷ yen/tháng. Chính sách này sẽ bắt đầu được áp dụng vào tháng 3/2026. Đây là một phần trong tiến trình của BoJ hướng tới chính sách thắt chặt định lượng, sau một thời gian dài áp dụng chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Việc giảm mua trái phiếu được cho là sẽ giúp giảm lượng tài sản nắm giữ trên bảng cân đối kế toán phình to.
Tính đến tháng 3, BOJ đã tích lũy được 576 nghìn tỷ yên trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB), tương đương 53% tổng nợ chưa thanh toán của chính phủ Nhật Bản. Sau khi cắt giảm, BOJ dự kiến sẽ vẫn là đơn vị nắm giữ JGB lớn nhất trong những năm tới.
Trong dự báo triển vọng kinh tế hôm 31/7, BOJ giữ nguyên kỳ vọng lạm phát quanh 2% từ nay đến tài khóa 2026. Tăng trưởng GDP năm nay có thể khoảng 0,5-0,7%, giảm so với dự báo tháng 4 là 0,7-1%.
Động thái thắt chặt tiền tệ của Nhật Bản trái ngược với hàng loạt nền kinh tế lớn khác. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đều được dự báo giảm lãi suất trong phiên họp tháng 9.
"Bất chấp tiêu dùng trì trệ, quan chức tài chính Nhật Bản đã gửi đi tín hiệu quyết đoán khi nâng lãi suất và giảm quy mô mua lại trái phiếu. Lạm phát tăng sẽ mở đường cho BOJ tiếp tục nâng lãi lần nữa vào đầu năm tới", Fred Neumann - kinh tế trưởng khu vực châu Á tại HSBC nhận định.
Lãi suất cao hơn đồng nghĩa với việc doanh nghiệp và hộ gia đình phải trả nhiều tiền hơn để vay vốn. Trong khi đó, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ lãi suất tiền gửi cao hơn tại một đất nước ưa chuộng tiền mặt như Nhật Bản. Các tổ chức tài chính, vốn lâu nay chịu ảnh hưởng từ lãi suất thấp, có khả năng sẽ cải thiện được lợi nhuận.
Sau quyết định lãi suất mới nhất, đồng yên lập tức giảm xuống mức 152,8 yên đổi 1 USD khi các nhà đầu tư vẫn cân nhắc chênh lệch lợi suất lớn giữa Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác.
Đây là lần thứ hai trong năm nay BOJ nâng lãi suất. Hồi tháng 3, cơ quan này nâng các mức lãi suất ngắn hạn lên 0-0,1%, thay vì -0,1% như trước. Đây là lần đầu tiên sau 17 năm, BOJ nâng lãi suất, và cũng là lần đầu tiên từ năm 2016 họ chấm dứt chính sách lãi suất âm. Họ cũng từ bỏ việc kiểm soát đường cong lợi suất (YCC), vốn được áp dụng từ năm 2016 nhằm giữ trần lãi suất dài hạn quanh 0%.
Minh Tú (t/h)