Theo Báo cáo về triển vọng nghề nghiệp và xu hướng kỹ năng giai đoạn 2018 – 2022 của VietnamWorks, khảo sát trên 200 chuyên gia nhân sự, “robot hóa và tự động hóa” được dự đoán sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến thị trường lao động với 59% ý kiến đồng ý.
Đồng thời, các chuyên gia cho biết trong tương lai doanh nghiệp họ ưu tiên nhất việc “phát triển tự động hóa” hoặc “tuyển dụng nhân lực có kỹ năng phù hợp với công nghệ mới”. Điều này cho thấy nhà tuyển dụng đã có ý thức về xu hướng này và đang chuẩn bị để sẵn sàng đón đầu những công nghệ mới.
Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhiều trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề cũng đã bắt nhịp và mở thêm nhiều ngành học liên quan. Theo ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội, trước xu thế nhân lực của cuộc CMCN 4.0, bản thân nhà trường đã đưa thêm vào trường chương trình giảng dạy cho sinh viên liên quan tự động hóa, công nghệ cao. Đây là phương án đón đầu xu hướng của cuộc cách mạng đồng thời tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, hiện Việt Nam chưa thực sự có nguồn nhân lực về công nghiệp robot theo đúng nghĩa. Tại một số trường ĐH kỹ thuật mới chỉ có bộ môn hoặc khoa chuyên ngành về tự động hóa, một lĩnh vực liên quan nhiều nhất đến robot.
Mặc dù có những lo ngại việc đưa robot vào sản xuất thay thế con người trong nhiều công đoạn sản xuất có thể sẽ làm dôi dư lao động hay tăng tỷ lệ thất nghiệp ở một số ngành như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm…, nhưng ông Quân cho rằng, cuộc CMCN 4.0 cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm mới trình độ cao hơn, năng suất lao động cao hơn, có thu nhập tốt hơn.
Chính vì vậy đối với người lao động, thay vì lo lắng với sự cạnh tranh của máy móc, người lao động cần chủ động phát triển những kỹ năng cần thiết. Người lao động cần chủ động học hỏi kiến thức về kỹ năng số hóa và công nghệ, trang bị những kỹ năng cần thiết như hợp tác với người khác, quản lý con người…để tăng năng lực cạnh tranh. Về phía nhà trường, cần phân tích nhu cầu thị trường nhân sự trong tương lai để tuyển sinh hợp lý, cập nhật chương trình học với kiến thức số hóa, tạo cơ hội cho sinh viên ứng dụng thực tế để nâng cao kiến thức, kỹ năng và sẵn sàng cho phát triển sự nghiệp.