Sau hơn 10 ngày khởi chiếu, lượng khán giả kéo đến Trung tâm Chiếu phim Quốc gia xem phim “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn tăng đột biến. Hệ thống bán vé online bị quá tải. Trung tâm Chiếu phim Quốc gia liên tục tăng suất chiếu nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của khán giả. Đây là một hiện tượng chưa từng xảy ra, đồng thời là tín hiệu vui cho phim điện ảnh Nhà nước đặt hàng.
Bộ phim “Đào, phở và piano” chính thức được công chiếu từ ngày 10/2 (mùng 1 Tết Giáp Thìn) với 3 suất chiếu/ngày. Từ mùng 7 Tết, sau những bài review tích cực trên mạng xã hội về bộ phim, lượng khán giả kéo đến rạp tăng đột biến, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã liên tục tăng suất chiếu, từ 3 suất lên 5 suất, rồi 11 suất vào ngày 18/2, 15 suất vào ngày 19/2 và 18 suất vào ngày 20/2, gấp 6 lần thời điểm phim mới công chiếu nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của người xem, vì đây là cụm rạp duy nhất chiếu “Đào, phở và piano”. Do số lượng khách truy cập đặt mua vé quá đông, hệ thống bán vé online (trực tuyến) gặp sự cố, bộ phim này chỉ được bán vé trực tiếp tại quầy. Đại diện Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho biết, Trung tâm đã phải giảm 50% suất chiếu phim “Mai” để chuyển sang chiếu “Đào, phở và piano”.
Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, “Đào, phở và piano” là một trong hai phim Nhà nước nằm trong kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 6/2/2024. Việc đưa hai bộ phim sử dụng ngân sách Nhà nước ra rạp trong dịp Tết Nguyên đán là một “phép thử” và ban đầu cơ quan quản lý Nhà nước về điện ảnh cũng không tránh khỏi những lo lắng. Tuy nhiên, những tín hiệu khả quan này đã cho thấy đề án thí điểm, rộng đường cho phim Nhà nước đến với công chúng là hoàn toàn đúng đắn”, Cục trưởng Vi Kiến Thành khẳng định.
Về đơn vị đã sản xuất ra bộ phim nói trên là CTCP Phim truyện I, công ty này tiền thân là Hãng phim truyện I, được thành lập vào ngày 5/3/1990. Năm 2010, Hãng phim truyện I chuyển đổi thành CTCP Phim truyện I, với gần 60% vốn của Nhà nước, là đơn vị cổ phần hóa đầu tiên của ngành điện ảnh. Từ năm 1998 đến nay, công ty có trụ sở tại ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, do Cục Điện ảnh cho mượn.
Tại ngày 30/6/2023, Phim truyện I có vốn điều lệ hơn 14 tỷ đồng, với ba cổ đông lớn bao gồm SCIC (59,95%), ông Trần Như Hưng – Phụ trách HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc sở hữu 15,54% và bà Nguyễn Hồng Phương Lan sở hữu 5,31%.
Công ty chuyên sản xuất các bộ phim được Nhà nước đặt hàng như "Lính chiến", "Phượng cháy", "Tình yêu vô tình". Hiện tại, "Đào, phở và piano" là bộ phim mới nhất ra rạp của hãng này, thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, Công ty cổ phần Phim truyện I đạt doanh thu hơn 13,1 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2021. Gần 98% doanh thu đến từ mảng sản xuất phim. Tuy nhiên, giá vốn sản xuất phim có tỷ lệ cao, biên lãi gộp của công ty chỉ khoảng 5%, tương đương 688 triệu đồng.
Công ty Phim truyện I không tốn chi phí tài chính và chi phí bán hàng, nhưng mất hơn 1,1 tỷ đồng cho chi phí quản lý doanh nghiệp, phần lớn là chi phí nhân viên và hành chính. Nếu chỉ nhờ vào hoạt động sản xuất phim, công ty sẽ không đủ bù đắp chi phí.
Việc doanh nghiệp này vẫn duy trì được hoạt động còn nhờ vào lãi tiền gửi và tiền cho vay. Năm 2022, công ty có gần 475 triệu đồng doanh thu tài chính, giảm 24% so với năm trước đó. Do không mất chi phí, hoạt động tài chính mang về lợi nhuận tương đương 70% lãi gộp mảng sản xuất phim. Tính đến cuối năm 2022, doanh nghiệp này có gần 3,6 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.
Tổng lại, Công ty Phim truyện I lãi sau thuế hơn 25 triệu đồng, tức biên lợi nhuận chỉ 0,2%. Mức này đã cải thiện so với năm 2022 khi doanh nghiệp này lỗ hơn 9 triệu đồng. Năm 2020, công ty kinh doanh huề vốn.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu Phim truyện I năm 2022 đạt 13,1 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Trừ chi phí, doanh nghiệp lãi ròng 25,3 triệu đồng. Trước đó, với ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, doanh thu Phim truyện I năm 2020 chỉ đạt gần 5 tỷ đồng, lợi nhuận 0 đồng. Thậm chí, công ty đã lỗ ròng 9,2 triệu đồng trong năm 2021.
Năm 2023, công ty đặt mục tiêu có 20 tỷ đồng doanh thu và 30 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 34% và 16% so với năm 2022.
Cuối tháng 12/2023, công ty mẹ là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thông báo thực hiện chào bán cạnh tranh toàn bộ 840.910 cổ phần, tương ứng 59,95% vốn tại CTCP Phim truyện I cho nhà đầu tư trong nước. Tổng số cổ phần được gom lại thành một lô với giá khởi điểm hơn 8,86 tỷ đồng.
Nhà đầu tư tham gia sẽ phải đặt cọc 10% giá trị lô cổ phần đăng ký mua tính theo giá khởi điểm chào bán cạnh tranh bằng đồng Việt Nam. Thời gian đăng ký và nộp tiền đặt cọc chậm nhất đến ngày 18/12/2023. CTCP Chứng khoán Dầu khí (HNX: PSI) là bên tổ chức tư vấn cho thương vụ này.
Về thời gian tổ chức chào bán, SCIC dự kiến sẽ thực hiện chào bán bắt đầu từ 9h ngày 26/12/2023. Thời gian nộp tiền mua cổ phần và hoàn trả tiền cọc đều diễn ra từ 26/12/2023 đến 2/1.
Trước đó, phiên đấu giá cổ phần Phim truyện I của SCIC vào ngày 7/11 đã không diễn ra thành công do đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (16 giờ 00 phút ngày 31/10/2023) không có nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá lô cổ phần.
Thu Phương (T/h)