Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định giáo dục có vai trò hết sức to lớn trong việc cải tạo con người cũ, xây dựng con người mới, bởi "Thiện, ác vốn chẳng phải là bản tính cố hữu, phần lớn đều do giáo dục mà nên".
Lịch sử Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 mang trong mình những ý nghĩa đặc biệt, là một dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển của ngành giáo dục.
Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. |
Tháng 01/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (thủ đô nước Pháp) lấy tên là FISE (Féderation International Syndicale des Enseignants - Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục).
Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã ra bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.
Công đoàn giáo dục Việt Nam, là thành viên của FISE từ năm 1953 (hội nghị có 57 nước tham dự), đã quyết định trong cuộc họp của FISE từ 26 đến 30/8/1957 tại Warszawa, lấy ngày 20/11/1958 là ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo".
Trong ngày 20/11/1958, lễ kỷ niệm không những được tổ chức tại Hà Nội, mà còn diễn ra từ Vĩnh Linh đến các vùng biên giới hải đảo. Những năm sau đó, ngày lễ 20/11 còn được tổ chức tại các vùng giải phóng ở miền Nam.
Khi Việt Nam thống nhất, với ý nghĩa tích cực của ngày 20/11, theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ VIII (tháng 4/1982) và Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em…, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26/9/1982 quyết định sẽ lấy ngày 20/11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Ngày 20/11/1982, lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác "trồng người".
Bác Hồ từng nói: “Vì lợi ích Mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người người”. Chính vì vậy, vào ngày 20/11 hằng năm, trên khắp đất nước đều rộn ràng ngày lễ chúc mừng Ngày nhà giáo Việt Nam.
Ngày 20/11 chính là dịp để các thế hệ học sinh trên cả nước “đền đáp” lại công ơn dưỡng dục của các thày cô, là dịp để lớp lớp học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân tới những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất vì nó tạo ra con người sáng tạo". Ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là ngày để mỗi người Việt Nam thể hiện được truyền thống tốt đẹp của dân tộc: Tôn sư trọng đạo; Không thầy đố mày làm nên; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa, Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy,...
Ngành giáo dục cũng thường nhân dịp này đánh giá lại hoạt động giáo dục và lập phương hướng có những bước cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục.