Nghiên cứu để giảm phát thải carbon to lớn của các triệu phú

10:54 14/02/2023

GS. Stefan Gössling thuộc Đại học Linnaeus và cộng sự nghiên cứu của ông - Andreas Humpe tại Đại học Khoa học Ứng dụng HM Hochschule München hiện đã phát triển một mô hình để tính toán có bao nhiêu triệu phú trên thế giới vào năm 2050 và lượng khí thải họ sẽ tạo ra.

 

Ảnh minh họa
1% dân số thế giới đang phát thải 50% tổng lượng khí thải từ việc di chuyển hàng không 

Trong một báo cáo nghiên cứu được xuất bản vào tháng 11 năm 2022 trên tạp chí Cleaner Production Letters , GS. Gössling đã xác định rằng 1% dân số thế giới đang phát thải 50% tổng lượng khí thải từ việc di chuyển hàng không thương mại, phần lớn là khách hàng bay hạng phổ thông đặc biệt (premium class, tức cấp độ ở giữa hạng phổ thông và hạng thương gia). Đó là những khách hàng giàu có, bay thường xuyên.

GS. Gössling và đồng nghiệp Andreas Humpe tại Đại học Khoa học Ứng dụng München (Đức) đã phát triển một mô hình để tính toán sẽ có bao nhiêu triệu phú trên thế giới vào năm 2050 và lượng khí thải mà họ sẽ tạo ra.

 

Ảnh minh họa
Tăng trưởng phát thải của triệu phú từ 2022–2050

Kết quả cho thấy tỷ lệ triệu phú trên thế giới sẽ tăng từ 0,7% hiện nay lên 3,3% vào năm 2050. Theo mô hình, lượng khí thải của họ sẽ tương đương với 72% hạn mức khí thải cho phép còn lại. Điều này làm giảm đáng kể khả năng duy trì biến đổi khí hậu ở mức 1,5oC.

Sự gia tăng khí thải liên tục của những người giàu có top đầu sẽ khiến quá trình chuyển đổi carbon thấp khó xảy ra hơn, vì mức tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng của những người giàu nhất này có thể vượt quá khả năng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của hệ thống. Nhóm của ông đặt câu hỏi liệu các biện pháp chính sách có đủ để đáp ứng các mục tiêu khí hậu?

Một trong những câu hỏi cụ thể mà Gössling và Andreas đặt ra liên quan đến luật buộc những người giàu có phải đưa vào những công nghệ không tạo ra khí thải CO2. Điều này sẽ đòi hỏi một lượng lớn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng để sản xuất nhiên liệu. Nhưng ngay cả ở mức độ sử dụng năng lượng như hiện nay thì cũng khó đạt được mục tiêu đó.

GS. Gössling dẫn chứng rằng: “Để loại bỏ sự phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí đốt của Nga và để giảm phát thải khí nhà kính, các quốc gia như Đức, Bỉ, Hà Lan và Đan Mạch đã tuyên bố sẽ tăng cường đầu tư vào năng lượng gió ngoài khơi. Điều này sẽ đặt thêm áp lực lên các kế hoạch vốn đã đầy tham vọng của châu Âu nhằm sản xuất một nửa lượng điện từ năng lượng gió vào giữa thế kỷ”.

Một vấn đề quan trọng khác là liệu có thể sản xuất đủ nhiên liệu hàng không bền vững cho phần nhỏ dân số này không, hoặc liệu nhu cầu năng lượng của những người giàu có nhất sẽ buộc các nhà quản lý phải đưa ra những chính sách quản trị và kiểm soát để cấm việc di chuyển hàng không hạng đặc biệt và sử dụng máy bay tư nhân?

Ba rào cản lớn

Tuy nhiên, GS. Gössling nhấn mạnh rằng ngay cả khi các biện pháp chính sách hạn chế nguồn phát thải cao là bắt buộc và cần thiết (chẳng hạn như thuế lũy tiến đối với khí thải) thì chúng vẫn khó thực hiện bởi ba rào cản.

Rào cản đầu tiên là sự nhận thức giữa các nhà hoạch định chính sách về việc những người giàu có phải bị hạn chế trong việc sử dụng năng lượng và thể hiện trong các quyết định đầu tư của họ. Ở hầu hết các quốc gia, việc tích lũy của cải vẫn luôn được coi là mong muốn của mọi người và có lợi cho tăng trưởng kinh tế nói chung.

Rào cản thứ hai là môi trường chính trị ngày càng phân cực. Trong đó, các chính trị gia không có can đảm để đề xuất, chứ chưa nói đến việc thực hiện các chính sách giảm thiểu phát thải. Ở nhiều quốc gia đã từng gọi mình là người tiên phong về biến đổi khí hậu, việc lật ngược các chính sách đã ban hành trước đó đang diễn ra (ví dụ như Thụy Điển) và ở những nơi quản trị khí hậu đã đạt được tiến bộ, không rõ liệu luật này có tồn tại lâu dài hay không.

Rào cản thứ ba là thiết kế các chính sách giúp giảm lượng khí thải của những người giàu có một cách đáng tin cậy. Những cuộc thảo luận về việc đóng góp khí thải của những người giàu có nhất đã xuất hiện nổi bật trên các phương tiện truyền thông toàn cầu, nhưng có rất ít bằng chứng về việc các chính trị gia đưa vấn đề này vào hệ thống hoặc vượt ra ngoài những biện pháp can thiệp dựa trên thị trường như tăng thuế carbon (với mức tăng tương đối nhỏ). Chính vì thế, việc giải quyết với những người giàu có sẽ là một công việc phức tạp.

Ngân An (Theo phys.org)