![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình |
Sáng 12/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình, nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đến nay, đồng thời định hướng các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đây là dịp quan trọng để nhìn lại những thành quả phát triển kinh tế - xã hội nổi bật, cũng như nhận diện các điểm nghẽn, từ đó xác định các giải pháp đột phá để địa phương vươn lên mạnh mẽ.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Thái Bình vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt 8,36%/năm. Đến năm 2025, quy mô nền kinh tế của tỉnh ước đạt trên 151.000 tỷ đồng, tăng 70% so với năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 80 triệu đồng/năm. Tỉnh cũng ghi nhận kết quả ấn tượng về thu ngân sách với tổng thu 5 năm đạt gần 138.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt hơn 56.000 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài (FDI), là điểm sáng nổi bật của Thái Bình trong nhiệm kỳ này. Giai đoạn 2021 - 4/2025, tỉnh đã thu hút trên 5,4 tỷ USD vốn FDI, gấp hơn 14 lần giai đoạn trước. Riêng năm 2023, Thái Bình lọt vào nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với tổng vốn đạt 3 tỷ USD. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 12.000 doanh nghiệp, gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ.
Trong phát triển công nghiệp, Thái Bình đã thành lập mới 4 khu công nghiệp lớn với tổng diện tích tăng thêm hơn 1.400 ha, gấp 3,4 lần giai đoạn trước. Khu kinh tế ven biển từng bước hình thành rõ nét với nhiều dự án lớn được xúc tiến nhanh chóng. Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả toàn diện, 100% xã đạt chuẩn, trong đó nhiều xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao quyết tâm và kết quả mà tỉnh đã đạt được, đặc biệt trong bối cảnh phải sắp xếp lại bộ máy tổ chức. Đến nay, tỉnh đã tinh gọn hàng loạt cơ quan, đơn vị hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, Thái Bình cần tận dụng tối đa các tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để tạo bứt phá mới. Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh phải quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Để làm được điều đó, Thái Bình cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, khai thác hiệu quả hạ tầng công nghiệp và các lĩnh vực có tiềm năng như y tế, giáo dục, năng lượng tái tạo và logistics ven biển.
Tỉnh Thái Bình kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ 6 nhóm vấn đề về: Cho phép tỉnh nghiên cứu, đề xuất Trung ương cơ chế đặc thù để xây dựng Khu kinh tế Thái Bình trở thành Khu kinh tế mở ven biển; Hỗ trợ kinh phí để Thái Bình thực hiện nghiên cứu đầu tư xây dựng khu bến cảng biển Diêm Điền có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng đến 200.000 tấn, xây dựng hoàn thiện tuyến đường huyết mạch từ thành phố Thái Bình kết nối với tỉnh Hưng Yên và triển khai dự án đầu tư tuyến đường kết nối từ Hưng Yên đến cảng biển Diêm Điền, đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa 1.500 giường; Cho phép Trường Đại học Y Dược Thái Bình di chuyển ra khu vực mới (khoảng 50 ha) để thực hiện Đề án phát triển trở thành trường Đại học Y Dược tốp đầu của Việt Nam và tiến tới trình độ tiên tiến khu vực, đạt chuẩn quốc tế; Bổ sung trong Quy hoạch Điện VIII: Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình (giai đoạn 2): 3.000 MW (giai đoạn 2031 - 2035) và Dự án Nhà máy điện gió Tiền Hải, Thái Bình: 154 MW (giai đoạn 2025-2030); Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Thái Bình: 1.000 MW (giai đoạn 2025-2035); Điều chỉnh giảm chỉ tiêu đất nông nghiệp đến năm 2030 còn 86.643 ha; Cho phép nghiên cứu điều chỉnh giảm diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải để phù hợp với thực tế, vừa đảm bảo yêu cầu về môi trường sinh thái vừa tạo không gian phát triển; Trong bối cảnh hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, để kịp thời đáp ứng yêu cầu tăng tốc phát triển, đặc biệt là kết nối giao thông, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện một số định hướng phát triển tỉnh mới không phụ thuộc vào quy hoạch đã được phê duyệt và sẽ cập nhật vào Quy hoạch tỉnh Hưng Yên mới. |
Về kiến nghị, Thủ tướng đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh xây dựng cơ chế đặc thù để phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành khu kinh tế mở ven biển; hỗ trợ xây dựng bến cảng Diêm Điền; di dời Trường Đại học Y Dược Thái Bình sang khu đất mới để mở rộng quy mô và nâng cấp chất lượng đào tạo. Thủ tướng cũng chỉ đạo nghiên cứu đưa các dự án điện gió, điện khí vào Quy hoạch Điện VIII và xem xét điều chỉnh đất nông nghiệp, đất bảo tồn để phù hợp hơn với định hướng phát triển kinh tế.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng đề nghị Thái Bình tập trung rà soát, cụ thể hóa các chỉ tiêu chưa hoàn thành trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp; phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là tuyến cao tốc CT.08, bệnh viện thông minh, trường đại học thông minh; đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững ổn định chính trị.
![]() |
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Thận cam kết tiếp thu đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng |
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Thận cam kết tiếp thu đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đưa tỉnh phát triển nhanh, mạnh, bền vững trong thời gian tới.