Theo Văn bản số 4003 ngày 9/5/2025 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm rõ tính khả thi của Dự án mở rộng đoạn cao tốc Yên Bái – Lào Cai. Trên cơ sở đó, các bên liên quan phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5/2025.
Tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai hiện có chiều dài khoảng 245 km và đã được VEC đầu tư, khai thác từ năm 2014. Tuy nhiên, quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến 2050, xác định chiều dài toàn tuyến là 264 km, quy mô thiết kế 6 làn xe. Hiện tại, đoạn từ Nội Bài đến Yên Bái (Km0 – Km123+080) và đoạn cuối từ Km244+155 đến Km262+815 đã hoàn thành theo quy mô 4 làn xe. Trong khi đó, đoạn Yên Bái – Lào Cai dài khoảng 121 km vẫn còn nhiều bất cập.
![]() |
Chính phủ chỉ đạo làm rõ tính khả thi Dự án mở rộng đoạn cao tốc Yên Bái – Lào Cai |
Cụ thể, chỉ có khoảng 38 km trong đoạn Yên Bái – Lào Cai được đầu tư mặt đường đạt chuẩn 4 làn xe. Phần còn lại, dài khoảng 83 km, tuy đã được phân kỳ đầu tư nền đường cho 4 làn, nhưng thực tế mặt đường mới chỉ đạt quy mô 2 làn xe và không có dải phân cách cứng ở giữa. Sau 10 năm khai thác, đoạn tuyến này đã xuống cấp nghiêm trọng, tốc độ lưu thông thực tế chỉ đạt khoảng 50 km/h, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, không còn đáp ứng yêu cầu vận tải đang gia tăng.
Trước thực trạng đó, ngày 12/3/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có chỉ đạo tại Văn bản số 1997, yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu nguồn vốn thực hiện Dự án mở rộng đoạn Yên Bái – Lào Cai, bao gồm cả phần vốn mà VEC có thể tự huy động.
Tới cuối tháng 3/2025, VEC đã có Văn bản số 726 đề xuất phương án đầu tư mở rộng đoạn tuyến này. Theo đó, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 7.668 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước dự kiến là 3.055 tỷ đồng (chiếm khoảng 40%), vốn VEC huy động là 4.613 tỷ đồng (chiếm khoảng 60%), và lãi vay trong giai đoạn xây dựng dự kiến khoảng 622 tỷ đồng với lãi suất 9%/năm. Thời gian hoàn vốn thu phí cho phần vốn do VEC huy động được xác định khoảng 20 năm, kết thúc vào năm 2045.
Trong hạ tuần tháng 4, Bộ Xây dựng đã gửi văn bản kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương bố trí vốn đầu tư từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024. Đồng thời, cơ quan này đề xuất giao VEC là đơn vị chủ quản thực hiện dự án. Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ Tài chính rà soát, cân đối tỷ lệ phân bổ vốn trung ương cho dự án trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí và khả năng của nguồn lực tài chính quốc gia.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu VEC rà soát, tính toán kỹ lưỡng phương án tài chính, không chỉ cho đoạn Yên Bái – Lào Cai, mà còn cho các tuyến cao tốc quan trọng khác như Cầu Giẽ – Ninh Bình và Long Thành – Dầu Giây. Mục tiêu là đảm bảo khả năng huy động vốn, trả nợ vốn vay ODA và bảo đảm tính khả thi tài chính cho toàn bộ 5 dự án mà VEC đang quản lý.
Bộ Xây dựng yêu cầu VEC chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng và Bộ Tài chính về hiệu quả đầu tư, tiến độ, chất lượng của dự án. Đồng thời, VEC phải xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm khởi công dự án trong năm 2025, đánh giá kỹ khả năng giải ngân để phù hợp với kế hoạch bố trí vốn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024.
Việc mở rộng đoạn cao tốc Yên Bái – Lào Cai không chỉ là vấn đề hạ tầng giao thông đơn thuần mà còn là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi phía Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, du lịch, thu hút đầu tư và đảm bảo an toàn giao thông trên trục hành lang kinh tế quan trọng nối Hà Nội với cửa khẩu quốc tế Lào Cai và thị trường Trung Quốc.