Ngày 11/5/2025, tại Hà Nội, “Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động” đã chính thức diễn ra, mang đến nhiều cơ hội việc làm và học nghề cho hàng ngàn lao động trẻ, học sinh, sinh viên trên địa bàn. Sự kiện do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp tổ chức, nhằm tăng cường kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập và chuyển đổi số.
Trong khuôn khổ chương trình, phiên giao dịch việc làm đã được tổ chức với quy mô ấn tượng. Khoảng 50 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng gần 3.000 vị trí việc làm thuộc 14 nhóm ngành, nghề khác nhau như: Công nghệ sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ gia công cơ khí, công nghệ ô tô, công nghệ thông tin, kế toán – kiểm toán, kinh doanh – marketing, quản lý, chăm sóc khách hàng, nhân viên kỹ thuật, nấu ăn, bảo vệ – phục vụ, bán hàng – thu ngân… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều cơ hội du học và xuất khẩu lao động sang các thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
![]() |
Hơn 3.000 cơ hội việc làm tại Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động |
Đáng chú ý, hơn 18% số chỉ tiêu tuyển dụng có mức thu nhập từ 15 triệu đồng/tháng trở lên, chủ yếu dành cho các vị trí chuyên môn cao, đòi hỏi kinh nghiệm và khả năng chịu áp lực công việc tốt. Các vị trí quản lý, giám sát hay trưởng – phó phòng chiếm 26,4% chỉ tiêu, với mức lương từ 10 – 15 triệu đồng/tháng. Các công việc văn phòng, kế toán hay lao động phổ thông có tay nghề được trả từ 7 – 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, các vị trí tập sự, việc làm bán thời gian, thời vụ, hay phù hợp với sinh viên mới ra trường thường dao động từ 5 – 7 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, khoảng 200 chỉ tiêu tuyển sinh được giới thiệu tại ngày hội, tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng như tiếng Trung, lập trình phần mềm và thiết kế vi mạch bán dẫn. Bên cạnh đó, chương trình còn cung cấp 100 chỉ tiêu dành cho du học, xuất khẩu lao động tại một số quốc gia châu Á, mở rộng thêm các lựa chọn học tập và làm việc cho người lao động địa phương.
Ngày hội cũng thu hút sự tham gia của 56 đơn vị tư vấn tuyển sinh với hơn 100.000 chỉ tiêu học nghề trên 330 ngành, nghề đào tạo thuộc các trình độ khác nhau. Khoảng 23 đơn vị đã mang đến nhiều sản phẩm mô hình thiết bị đào tạo tự làm, trình diễn kỹ năng nghề như pha chế đồ uống, chế biến món ăn, làm bánh, chăm sóc da, sơn ô tô... giúp học sinh có cơ hội trải nghiệm thực tế và khám phá các lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích.
Với quy mô lên đến 10.000 người tham dự, trong đó có khoảng 8.000 học sinh cuối cấp đến từ các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, ngày hội đã trở thành một trong những sự kiện lớn nhất trong năm kết nối giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu thị trường lao động.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội – nhấn mạnh rằng, ngày hội năm nay không chỉ là cầu nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, mà còn là bước đi thiết thực nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô. Ông cũng kêu gọi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp thông qua mô hình đào tạo theo “địa chỉ đặt hàng”, đồng thời tăng cường công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Về phía doanh nghiệp, ông Cương đề nghị các đơn vị tích cực tham gia vào quá trình đào tạo và tuyển dụng, tạo điều kiện để học sinh, sinh viên tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp xây dựng đội ngũ lao động có tay nghề mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội Thủ đô trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Có thể nói, “Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025” không chỉ mang đến cơ hội học tập, việc làm thiết thực cho hàng ngàn học sinh, sinh viên và người lao động mà còn góp phần thay đổi nhận thức xã hội về vai trò, vị thế của giáo dục nghề nghiệp trong thời đại mới. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, thích ứng với xu thế chuyển đổi số và các yêu cầu mới của nền kinh tế tri thức.