Theo các chuyên gia, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng mà Nghị định 93 quy định khá chi tiết, cụ thể. Bên cạnh các tổ chức như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, cơ quan, ban ngành, các cơ quan thông tin đại chúng... được vận động, tiếp nhận từ thiện như trước đây, Chính phủ cũng khuyến khích tất cả các cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối tiền từ thiện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo tinh thần đoàn kết, tương thân, tương áí.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, việc vận động phải theo nguyên tắc tự nguyện, không được phép đặt ra mức tối thiểu để yêu cầu phải đóng góp, việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp phải đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công bằng, công khai, đúng mục đích, đối tượng. Đồng thời, nghiêm cấm việc báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật, việc chiếm đoạt, phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian và trục lợi cá nhân.
Đáng nói, tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện… trong đó, cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ…
Thực tế, mùa bão lũ cuối 2020 đã xuất hiện những bất cập nhất định khi so sánh, đối chiếu với quy định pháp luật, đó là, công tác phê duyệt dự án cứu trợ của nước ngoài còn chậm, chồng chéo trong việc thực hiện giữa Nghị định 64, Nghị định số 50/2020/NĐ-CP và Nghị định số 80/2020/NĐ-CP. Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ra đời được cho là hành lang pháp lý đưa từ thiện về đúng thực chất sau những “ồn ào” của một số nghệ sĩ, người nổi tiếng…
P.V