Liên quan đến những vướng mắc hiện hành trong sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Nghị định 67 quy định rõ hơn về phạm vi, đối tượng áp dụng tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp sẽ có cơ sở để triển khai thực hiện; đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.
Đặc biệt, Nghị định 67 có quy định phân cấp, phân quyền trong triển khai thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo hướng phân cấp mạnh hơn như: các Bộ, cơ quan trung ương phê duyệt phương án đối với nhà, đất do doanh nghiệp cấp II, doanh nghiệp cấp III; quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý; UBND cấp tỉnh (nơi có nhà, đất) quyết định thu hồi (trước đây theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP là Bộ Tài chính quyết định đối với các trường hợp này). Vì vậy, sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sẽ nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc xem xét phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.
Việc xử lý chuyển tiếp được quy định rõ, cụ thể; góp phần giải quyết vấn đề đang đặt ra trong việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý đã được phê duyệt trước ngày Nghị định số 167/2017/NĐ-CP có hiệu lực; đặc biệt là các nhà, đất phê duyệt theo phương án chuyển nhượng, chuyển mục đích có nhiều dự án đang dừng hoặc chậm triển khai thực hiện do có vướng mắc phát sinh.
Nghị định 67 quy định rõ nhóm nhà, đất nào phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý; nhóm nhà, đất nào không phải thực hiện do đã được điều chỉnh cụ thể tại các văn bản pháp luật khác như luật đất đai, luật nhà ở. Cùng đó về đối tượng đã quy định rõ hơn đối với nội dung “ ... công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ” cụ thể là các doanh nghiệp cấp I, cấp II, cấp III đều phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất. Quy định này, một mặt thống nhất với Luật doanh nghiệp năm 2020; mặt khác để phù hợp với thực tế hiện nay, các đối tượng này đang quản lý, sử dụng rất nhiều nhà, đất cần thiết phải thực hiện để bảo đảm sử dụng nhà đất tiết kiệm, có hiệu quả, hạn chế thất thoát.
Ảnh minh họa.
Nghị định 67 bổ sung thêm nguyên tắc quản lý đối với số tiền do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ (ngoài số tiền bán tài sản trên đất, tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, số tiền bồi thường, hỗ trợ được xác định theo đúng quy định của pháp luật) cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất. Đây là nội dung đã phát sinh trong thực tế thời gian qua và pháp luật chưa có quy định cụ thể.
Một điểm đáng chú ý của Nghị định 67 là sửa đổi quy định thẩm quyền quyết định xử lý nhà, đất thuộc trung ương quản lý. Cụ thể sửa đổi thẩm quyền quyết định thu hồi nhà, đất từ Bộ Tài chính về UBND cấp tỉnh để thống nhất đồng bộ với quy định của pháp luật đất đai và đảm bảo khả thi trong quá trình thực hiện quyết định thu hồi.- Sửa đổi thẩm quyền quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc trung ương quản lý từ Bộ Tài chính về Bộ, cơ quan trung ương xem xét, quyết định nhằm đề cao trách nhiệm của các Bộ, cơ quan trung ương trong tổ chức thực hiện việc bán nhà, đất.
Trong việc xử lý chuyển tiếp, Nghị định 67 đã quy định rõ về nội dung đối với từng trường hợp, từng tình huống cụ thể phát sinh từ thực tế cần được xử lý; cũng như thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý chuyển tiếp nhằm tháo gỡ kịp thời vướng mắc, trên nguyên tắc việc xử lý phải bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền.
Theo Báo Công thương