Ngành Thuế tăng cường ứng dụng công nghệ AI trong quản lý và hỗ trợ người nộp thuế |
Xây dựng kho dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”
Tháng 11-2024, Tổng cục Thuế đã chính thức ra mắt Chatbot AI mang tên “Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế”. Đến nay, hệ thống này đã tiếp nhận và xử lý hơn 30.000 câu hỏi từ 4.500 người đăng ký sử dụng. Được tích hợp hơn 100 bộ luật, các văn bản hướng dẫn và bộ thủ tục hành chính, hệ thống đã xây dựng hơn 15.000 nội dung song ngữ, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác và tự động.
Người nộp thuế đánh giá cao tính dễ hiểu, chi tiết của các câu trả lời, cùng khả năng tích hợp mẫu biểu thủ tục hành chính, công cụ tính thuế và hỗ trợ xác định mức lệ phí môn bài. Với tính năng hoạt động mọi lúc, mọi nơi qua điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy tính có kết nối mạng, trợ lý ảo này mang lại sự thuận tiện vượt trội.
Tại Hà Nội, Cục Thuế TP Hà Nội hiện quản lý hơn 236.000 doanh nghiệp, 235.000 hộ kinh doanh và trên 10 triệu mã số thuế cá nhân. Theo ông Vũ Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế kiêm Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, đơn vị này đã ứng dụng AI để phân tích rủi ro hóa đơn trong hệ sinh thái doanh nghiệp, đặc biệt là các giao dịch mua bán lòng vòng, nhằm kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Tại TP.HCM, Cục Thuế TP.HCM cũng đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng AI toàn diện vào quản lý thuế. Một cán bộ lãnh đạo ngành thuế TP.HCM chia sẻ, công nghệ AI là công cụ không thể thiếu để kiểm soát tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp ngày càng tinh vi.
Tăng cường quản lý rủi ro với Big Data và AI
Ông Phạm Quang Toản, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế, cho biết ngành thuế đã tích cực ứng dụng Big Data và AI để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, phòng chống gian lận. Cụ thể, việc triển khai hệ thống phân tích dữ liệu lớn giúp phân loại hoàn thuế tự động, phát hiện hành vi bất thường và đưa ra các cảnh báo rủi ro.
Ông Phạm Quang Toản, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế |
Bên cạnh đó, hóa đơn điện tử đã gia tăng khả năng giám sát, phát hiện gian lận và đối chiếu hóa đơn với tờ khai thuế GTGT, từ đó đảm bảo kiểm soát hiệu quả công tác xét hoàn thuế.
Để khai thác tối đa sức mạnh của AI, yếu tố cốt lõi là nguồn dữ liệu phải đảm bảo chất lượng. Theo bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế, hiện ngành thuế đang quản lý cơ sở dữ liệu khổng lồ với hơn 1 triệu doanh nghiệp, tổ chức và hàng tỷ hóa đơn điện tử phát sinh mỗi năm. Tuy nhiên, việc khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu này vẫn gặp nhiều thách thức do hạn chế về hạ tầng công nghệ thông tin.
Trong thời gian qua, thực hiện Đề án 06 và Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành thuế đã nỗ lực xây dựng kho dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Tại Hà Nội, việc đồng bộ mã số thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia đã giúp định danh 627.000 gian hàng kinh doanh thương mại điện tử, thu thuế 38.800 tỷ đồng trong năm qua – gấp 2,8 lần so với trước khi khớp nối dữ liệu.
Hướng tới năm 2025, Tổng cục Thuế đặt mục tiêu ứng dụng triệt để Big Data, AI và máy học (ML) vào các công tác quản lý thuế. Trong tháng 1/2025, ngành thuế sẽ thí điểm ứng dụng Trợ lý ảo hỗ trợ công chức thuế trong quản lý nợ, kỳ vọng mang lại hiệu quả vượt bậc và tiện ích tối đa cho người nộp thuế.
Có thể nói, chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước nói chung và trong ngành Thuế nói riêng là quá trình chuyển đổi các hoạt động và dịch vụ từ hình thức truyền thống sang hình thức điện tử, số hóa,… Chuyển đổi số giúp tăng cường hiệu quả, giảm thiểu thủ tục hành chính, nhanh chóng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Quá trình chuyển đổi số tại cơ quan thuế đã mang lại nhiều lợi ích như nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí, cải thiện sự minh bạch và hiệu quả của quy trình quản lý thuế.