Nền kinh tế Trung Quốc bị xáo trộn bởi biến thể Delta và những rắc rối trong chuỗi cung ứng

10:53 01/09/2021

Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục bị đình trệ trong tháng này khi chính quyền đất nước tỉ dân cố gắng ngăn chặn sự gia tăng của các ca nhiễm virus Corona và đối mặt với cuộc khủng hoảng vận chuyển.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Một cuộc khảo sát chỉ ra hoạt động sản xuất đã giảm xuống 50,1 điểm trong tháng 8 từ 50,4 hồi tháng 7. Con số này chỉ cao hơn mốc 50 điểm cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch. Các ngành dịch vụ, hiện chiếm một phần lớn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thậm chí còn trong tình trạng tồi tệ hơn. Chỉ số quản trị mua hàng phi sản xuất giảm xuống 47,5 từ mức 53,3 trong tháng 7, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 2 năm 2020.

Nền kinh tế Trung Quốc đã ghi nhận những thành công ban đầu lạc quan hơn so với nhiều nước, tuy nhiên biến thể Delta và chiến lược tiếp cận “Không Covid” đã phá vỡ nỗ lực trước đó. Đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất của đất nước vừa qua làm tiền đề thúc đẩy các nhà chức trách thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn các ca nhiễm mới, bao gồm đóng cửa nhiều tỉnh, thành phố, hủy các chuyến bay và đình chỉ hoạt động thương mại. Chiến lược quyết liệt và không khoan nhượng dường như chỉ kiềm chế một phần biến thể Delta nhưng đất nước đã phải trả giá bằng lợi ích kinh tế suy giảm.

Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, đã viết trong một báo cáo nghiên cứu hôm thứ Ba rằng: “Các cuộc khảo sát mới nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã suy thoái vào tháng trước do sự gián đoạn của virus gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động dịch vụ”. Ông nói thêm, sự sụt giảm PMI phi sản xuất hoàn toàn do gián đoạn trong lĩnh vực dịch vụ khi “các hạn chế di chuyển được áp dụng trở lại và người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn trong bối cảnh bùng phát virus mới”.

Bên cạnh đó, những vấn đề tồn đọng và phát sinh trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng là gánh nặng khiến sự việc tồi tệ hơn. Thương mại toàn cầu đã hỗn loạn trong nhiều tháng kể từ khi sản xuất buộc phải tăng tốc bắt kịp nhu cầu tiêu dùng bùng nổ. Tuy nhiên chuỗi cung ứng nhiều lần gặp khó khăn do thiếu container, đóng cửa nhà máy liên quan đến dịch bệnh căng thẳng ở Việt Nam và ảnh hưởng kéo dài từ sự vụ đóng cửa cảng hàng hóa ở Trung Quốc.

Một nhà ga tại cảng Ningbo-Zhoushan phía Nam Thượng Hải đã bị đóng cửa trong nhiều tuần sau khi một công nhân bến tàu có kết quả dương tính với Covid-19, làm tăng thêm tình trạng tồn đọng tại các kho hàng. Theo Evans-Pritchard: “Tình hình có dấu hiệu tiếp tục thiếu hụt nguồn cung, thời gian giao hàng kéo dài trong khi các công ty tiếp tục giảm lượng nguyên liệu tồn kho”.

Những đợt bùng phát dữ dội và vận chuyển không phải là tất cả tai ương mà Trung Quốc đang phải đối phó. Bắc Kinh cũng đã bắt tay vào cuộc đàn áp lớn nhắm vào các doanh nghiệp công nghệ, giáo dục tư nhân và các ngành công nghiệp khác đều đã bị cuốn vào cuộc khủng hoảng. Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao của khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Oanda, nhận định sự kìm hãm, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và giáo dục “đang tác động đến mối quan tâm về việc làm ở những người bị ảnh hưởng và niềm tin của người tiêu dùng rộng lo ngại về những can thiệp rộng lớn hơn”. Phía Evans-Pritchard dự kiến ​​hầu hết sự suy yếu được báo cáo hôm thứ ba sẽ đảo ngược vào tháng Chín, vì các trường hợp Covid đang được kiểm soát ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho biết những lo ngại khác vẫn tồn tại, chỉ ra rằng các điều kiện tín dụng thắt chặt đang tạo ra một “lực cản ngày càng tăng”.

TL