Nam Đàn (Nghệ An): Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết sản xuất với người dân nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản

09:12 18/10/2021

Trong tiến trình xây dựng huyện Nông thôn mới kiểu mẫu, Nam Đàn (Nghệ An) luôn chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, liên kết sản xuất với người dân nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản…

Phát triển chuỗi liên kết sản xuất….

Từ năm 2019, Nam Đàn là địa phương khởi đầu của tỉnh Nghệ An thực hiện thí điểm xây dựng huyện Nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018-2025. Theo đó, trong 4 năm qua, UBND huyện đã kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, liên kết sản xuất với người dân. Đồng thời, liên kết với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp để giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản trên địa bàn huyện. Kết quả nổi bật trong tái cơ cấu đối với lĩnh vực trồng trọt là sự chuyển đổi cây trồng để tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Cụ thể: Chuyển đổi 96,7ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu 15,6ha, trồng cây ăn quả 5,7ha, trồng sen 25,6ha và nuôi trồng thủy sản 49,8ha; chuyển đổi 73,2ha đất màu sang trồng cây ăn quả 72,7ha và trồng cây dược liệu 0,5ha; chuyển đổi diện tích đất vườn ở, đất màu sang trồng hoa hàng hóa 27,2ha. Trên địa bàn huyện có 615ha cây ăn quả tập trung, trong đó có 39,8ha ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. 

  Nam Đàn đón nhận bằng đạt chuẩn huyện Nông thôn mới vào ngày 19/5/2018.

Nam Đàn đã xây dựng được các cánh đồng liên kết sản xuất lúa với doanh nghiệp như: Công ty Giống cây trồng Trung ương, Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An, Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An... Đáng chú ý, Nam Đàn đã xây dựng được các mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao như Bắc Thịnh, VNR20, Phú ưu 978... cho năng suất bình quân 66 - 68 tạ/ha, cao hơn so với năng suất đại trà khoảng 04 tạ/ha, giá bán tăng từ 1,2-1,5 triệu/tấn. Bên cạnh đó, Nam Đàn cũng đã xây dựng thành công các vùng sản xuất rau màu tập trung theo hướng VietGAP, như: Hợp tác xã rau an toàn Thanh Niên Nam Đàn, Hợp tác xã rau củ quả Nam Anh, Hợp tác xã rau củ quả Hùng Tiến, Hợp tác xã nông nghiệp Nam An, Hợp tác xã rau an toàn Nam Thanh…Đồng thời, xây dựng thành công vùng sản xuất lạc giống tại Thượng Tân Lộc. 

  Mô hình sản xuất dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng tại huyện Nam Đàn mang lại giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt, Nam Đàn đã hình thành các vùng rau màu VietGAP gắn với phát triển chuỗi liên kết sản xuất. Nhiều mô hình duy trì hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhiều năm liền, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. Ngoài các mô hình nhà lưới có liên kết bao tiêu sản phẩm, trên địa bàn huyện còn có mô hình THT riềng Nam Hưng, vùng sản xuất ớt, trồng dâu nuôi tằm tại Khánh Sơn. Nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới có hiệu quả, đưa vào sản xuất các giống rau củ quả có năng suất, chất lượng cao như hoa lý, bí xanh, bí đỏ, dưa chuột, dưa lưới…Hình thành các vùng sản xuất rau màu tập trung theo hướng VietGAP tại Hợp tác xã rau an toàn Xuân Hòa, Nam Thanh, Vân Diên…, mô hình trồng nấm tại Thượng Tân Lộc. Tiếp tục duy trì được vùng sản xuất Bí Xanh tại khối Trường Long (thị trấn Nam Đàn) của Hợp tác xã rau an toàn Vân Diên với diện tích 3,2ha, năng suất 20 tạ/ha, cho thu nhập 200 triệu đồng/ha. Toàn huyện đã xây dựng và nhân rộng được 17.000m2 nhà lưới, nhà màng sản xuất rau củ quả tại Nam Giang, Nam Anh, Nam Nghĩa, Kim Liên, Trung Phúc Cường, Hùng Tiến, Xuân Hòa... 

  Lễ ký kết hợp tác phát triển Chanh Nam Đàn và chuyển giao công nghệ.

Trên các vùng đất đồi, đất bãi cao, Nam Đàn đã triển khai xây dựng một số mô hình chuyển đổi từ trồng rau màu không hiệu quả sang trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động tại các xã Nam Hưng, Nam Thái, Nam Nghĩa, Nam Thanh, Hồng Long, Thượng Tân Lộc....Nam Đàn đã hình thành được một số vùng trồng hoa quanh năm, có giá trị kinh tế cao tại Kim Liên, Xuân Hòa, Hùng Tiến, Nam Giang... Ngoài ra, trong những năm qua, trên địa bàn huyện phát triển mạnh mẽ diện tích trồng Sen, nhất là tại các vùng sâu trũng, sình lầy và một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng sen đã và đang khẳng định hiệu quả kinh tế. Hiện nay, toàn huyện có gần 100ha sen tạo cảnh quan đẹp, phục vụ nhu cầu ngày tuần, ngày lễ và cung cấp nguyên liệu làm sản phẩm OCOP cho Hợp tác xã Sen Quê Bác.

Xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi con đặc sản quy mô lớn…

Song song với với việc hình thành các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mang lại giá trị kinh tế cao theo hướng VietGAP với chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm, thì Nam Đàn cũng chú trọng thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn. Ngoài phát triển trang trại mới, một số trang trại kém hiệu quả, bỏ trống chuồng thì trong những năm gần đây Nam Đàn đã kêu gọi được các doanh nghiệp liên kết tái chăn nuôi. Để ổn định và đảm bảo đầu ra, các cơ sở chăn nuôi đã ký kết hợp đồng liên kết theo chuỗi. Năm 2020, toàn huyện có 14 cơ sở liên kết từ đầu vào đến bao tiêu sản phẩm. Ngoài liên kết trong chăn nuôi lợn, Nam Đàn còn xây dựng các mô hình liên kết với doanh nghiệp để chăn nuôi gia cầm và dê. 

  Nam Đàn xây dựng thành công mô hình nuôi dê thương phẩm theo chuỗi giá trị đạt hiệu quả kinh tế cao.

Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn huyện đã xây dựng thành công nhiều cơ sở chăn nuôi con đặc sản quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đó là những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều địa phương khác trong tỉnh đã đến tham quan, học tập. Một số mô hình nổi bật như: Mô hình chăn nuôi gà Ác quy mô 2.000 con, mô hình chăn nuôi gà Ri quy mô 5.000 con tại xã Nam Nghĩa; mô hình chăn nuôi gà Lai Chọi quy mô 30.000 con tại xã Nam Thái; mô hình chăn nuôi Dê lai Bách Thảo quy mô 300 con tại xã Nam Hưng…Tất cả các mô hình chăn nuôi trên đều được áp dụng tiến bộ khoa học nên đảm bảo an toàn dịch bệnh và tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu về phát triển con đặc sản có thế mạnh trên địa bàn huyện. Trong những năm gần đây, Nam Đàn đã định hướng và chỉ đạo phát triển mạnh đàn dê tại các xã vùng bán sơn địa, hình thành một số trang trại nuôi dê với tổng đàn lớn. Điển hình có trang trại ở xã Nam Nghĩa nuôi hơn 1.400 con. Năm 2020, tổng đàn dê toàn huyện là 8.195 con, tăng 4.749 con so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, Nam Đàn đã hình thành và nhân rộng một số mô hình nuôi con đặc sản có hiệu quả kinh tế cao như nuôi dế thương phẩm, nuôi gà Ác, gà Ri, gà Tiến vua, gà Chọi, Ba Ba, Ong Mật… 

  Mô hình nuôi gà Ác ở Nam Đàn.

Định hướng chăn nuôi theo quy trình VietGAP đã và đang được các trang trại trên địa bàn huyện Nam Đàn quan tâm triển khai xây dựng. Hiện toàn huyện đã có 04 cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP và 02 cơ sở được chứng nhận an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các điểm chăn nuôi nhỏ lẻ tại các xã Nam Anh, Nam Xuân, Hùng Tiến, Nam Thanh, Nam Nghĩa, Nam Hưng, Nam Lĩnh chuyển sang mô hình VietGAP nông hộ với hơn 400 hộ chăn nuôi tham gia. Một số trang trại và nông hộ VietGAP ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định với các nhà hàng, siêu thị tại TP. Vinh và bếp ăn tập thể của các công ty, trường học… Trong chăn nuôi, Nam Đàn đã áp dụng hệ thống máng ăn, máng uống tự động, có máy phối trộn, ủ và hoàn viên thức ăn cho gia súc, gia cầm. Ngoài ra, tại các trang trại lớn đều đã được đầu tư máy phun hóa chất tự động, máy sấy tia UV… để phòng chống dịch bệnh. 

  Nam Đàn tổ chức Toạ đàm phát triển sản phẩm du lịch nông thôn.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Nam Đàn tiếp tục chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, bảo đảm ổn định sản lượng lương thực, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của nông sản. Tập trung chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm khai thác và phát huy tối đa tiềm năng đất đai. Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng vùng sản xuất VietGAP và tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi, nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện. Nhìn chung, trong những năm qua, Nam Đàn đã phát triển chăn nuôi đúng với định hướng đặt ra là: Thu hẹp hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tích cực kêu gọi doanh nghiệp liên kết, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung tại các vùng được quy hoạch, bảo đảm tổng sản lượng vật nuôi chủ lực và phát triển con đặc sản có thế mạnh. 

  Một trong những sản phẩm OCOP của Nam Đàn là Trà ướp gạo sen được du khách yêu thích, tin dùng.

Được biết, vào ngày 04/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án thí điểm "Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018-2025". Sau 04 năm thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông - lâm - thủy sản giai đoạn 2017 - 2020 đạt 4,05%. Giá trị tăng thêm ngành nông – lâm - thủy sản là 1.117 tỷ đồng. Tổng sản lượng các sản phẩm chủ lực của huyện gồm: Sản lượng lương thực bình quân giai đoạn 2017-2020 đạt 93.766 tấn/ năm; Tổng sản lượng thịt hơi xuất bán bình quân giai đoạn 2017-2020 đạt 14.480 tấn/ năm. Trong đó, năm 2020 đạt 14.925 tấn, tăng 13,9% so với năm 2016; Xây dựng và triển khai Đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, gắn sản xuất với chế biến các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP phục vụ du lịch. Đến nay, toàn huyện Nam Đàn đã có 23 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Văn Cương – Hoàng Lan