Chia sẻ về những con số đáng chú ý trong mục tiêu của Hà Nội xây dựng thành phố thông minh đến năm 2030, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, đây là những con số tương đối tham vọng. Về chính quyền số, mục tiêu là 100% văn bản điều hành của chính quyền gắn với môi trường số, chữ ký số. Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP của Hà Nội. 80% số người trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử và trên 50% có chữ ký số cá nhân để sử dụng trên các dịch vụ công trực tuyến. Hà Nội đã có những đề án về giao thông thông minh và y tế thông minh. Gần đây, Thủ đô đã có những thí điểm tích cực về thẻ vé liên thông trên hệ thống giao thông công cộng cho người dân thuận lợi trong việc di chuyển. Sẽ có nhiều mô hình mới về phát triển đô thị, phát triển giao thông.
“Chúng tôi tiên phong làm sổ sức khỏe điện tử cho tất cả người dân sống trên địa bàn thành phố (khoảng 10 triệu dân), chứ không chỉ làm riêng cho những người là công dân Thủ đô. Năm 2024 chúng tôi sẽ đạt được điều này. Hiện cơ sở dữ liệu đã có 76 triệu sổ sức khỏe điện tử cho người dân. Trong những tháng cuối năm 2023, chúng tôi sẽ phối hợp các lực lượng (lực lượng công an, y tế, thông tin truyền thông) để khai thác dữ liệu của hơn 2 triệu người dân còn lại để hoàn thành mục tiêu trên”, ông Hùng nói.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, số sổ y tế này sau đó sẽ được tích hợp với sổ sức khoẻ nhân dân. Ban Chỉ đạo Đề án 06 của Chính phủ (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) quyết lấy Hà Nội làm điểm, từ đó nhân rộng ra cả nước đối với việc làm sổ y tế điện tử.
Đối với những vấn đề vốn nan giải tại Thủ đô như ô nhiễm môi trường, cấp thoát nước, đô thị thông minh sẽ có những đề án giải quyết hiệu quả. Bước đầu, Hà Nội đã có sự quan trắc dựa vào công nghệ. Thời gian tới, thành phố sẽ bổ sung thêm các trạm quan trắc, các cảm biến để thông báo về tình hình môi trường, qua đó có biện pháp khắc phục. Hệ thống cấp thoát nước cũng đang được đầu tư song song để cung cấp nguồn nước sạch cho người dân Thủ đô cũng như hệ thống thoát nước cũng sẽ được hoàn thiện.
Chia sẻ về thách thức xây dựng thành phố thông minh thông qua chuyển đổi số, ông Hùng nhấn mạnh, có thách thức chung và thách thức riêng. Về thách thức chung, dữ liệu phải được tạo lập, quản lý, chia sẻ và tích hợp đồng bộ. Về thách thức riêng, Hà Nội là Thủ đô, có dân số rất đông, đặt ra những bài toán về bảo đảm giáo dục, y tế, giao thông. Bởi vậy, xây dựng thành phố thông minh là phải đồng bộ từ thể chế, chính sách đến hạ tầng, dữ liệu để kiểm soát, kiểm tra, thực hiện.
Đối với việc bảo mật an toàn thông tin, Hà Nội đã tính đến bảo mật tổng thể, bảo mật hệ thống, bảo mật hạ tầng trong kiến trúc về chính quyền số và thành phố thông minh. Cùng với đó là nâng cao nhận thức bảo mật cho người dân về dữ liệu cá nhân, dữ liệu của doanh nghiệp.
“Tất cả đều được xây dựng thành các đề án, văn bản và luôn luôn có những phát động tuyên truyền động viên người dân tham gia và chấp hành”, ông Hùng khẳng định.
Hoài Anh