|
Mỹ tăng cường hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc. |
Reuters trích nguồn tin thân cận cho biết, Mỹ sắp công bố chính sách siết kiểm soát lần thứ 3 với ngành bán dẫn Trung Quốc.
Nguồn tin của Reuters cho biết, Washington sẽ hạn chế xuất khẩu sản phẩm sang 140 công ty Trung Quốc. Danh sách mới nhất gồm 20 doanh nghiệp bán dẫn, 2 công ty đầu tư và hơn 100 nhà sản xuất máy công cụ để làm chip. Doanh nghiệp Mỹ sẽ phải xin giấy phép đặc biệt nếu muốn bán hàng cho các công ty trong danh sách hạn chế này.
Các sản phẩm bị siết gồm chip bộ nhớ băng thông cao (HBM) - vốn cần thiết cho các ứng dụng huấn luyện trí tuệ nhân tạo (AI), 24 máy công cụ và 3 phần mềm dùng trong sản xuất chip.Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ áp dụng lệnh kiểm soát mới đối với thiết bị sản xuất chip được sản xuất tại các quốc gia như Singapore và Malaysia.
Ngoài ra, quy định mới cũng sẽ mở rộng quyền kiểm soát đối với việc xuất khẩu thiết bị sản xuất chip do các công ty của Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan sản xuất sang các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, như Malaysia, Singapore, Israel, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Theo đó, Mỹ sẽ có thẩm quyền để quản lý các mặt hàng có chứa chip của nước này, ngay cả khi được sản xuất ở nước ngoài.
Mỹ cũng sẽ hạn chế các lô hàng chip nhớ tiên tiến, chẳng hạn như HBM 2, do các công ty như Samsung, SK Hynix và Micron sản xuất. Dự kiến, Tập đoàn Samsung sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quy định này.
Việc này diễn ra chỉ vài tuần trước lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump vào tháng 1.2025. Dự kiến ông Trump sẽ duy trì nhiều biện pháp cứng rắn với Trung Quốc như thời chính quyền Biden.
Các biện pháp kiểm soát công cụ sản xuất chip cũng có thể sẽ gây tổn hại cho ba công ty Mỹ là Lam Research, KLA và Applied Materials, cũng như hãng nước ngoài như ASM International (Hà Lan).
Trung Quốc đã đẩy mạnh nỗ lực tự cung tự cấp trong lĩnh vực bán dẫn những năm gần đây, vì bị Mỹ và các quốc gia khác hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến cùng các công cụ sản xuất chúng. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tụt hậu nhiều năm so với các công ty dẫn đầu ngành chip như Nvidia (hãng chip AI số 1 thế giới của Mỹ) và ASML (nhà cung cấp thiết bị sản xuất thiết bị chip hàng đầu thế giới ở Hà Lan).
Mỹ cũng dự kiến áp đặt thêm hạn chế với SMIC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc), vốn đã nằm trong danh sách đen thương mại từ năm 2020 nhưng vẫn được cấp phép hàng tỉ USD giá trị hàng hóa được xuất khẩu. Tuy nhiên, lần này, Mỹ tiếp tục siết chặt hơn, nhắm vào cả các công ty đầu tư như Wise Road Capital và Wingtech Technology Co, những đơn vị hỗ trợ tài chính cho ngành chip Trung Quốc.
Các nhà lập pháp Mỹ cho biết, trong danh sách trừng phạt còn có một số công ty, bao gồm Swaysure Technology Co, Qingdao SiEn và Shenzhen Pensun Technology Co, vốn hợp tác với Huawei Technologies của Trung Quốc. Huawei là công ty hàng đầu về thiết bị viễn thông, từng bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ và hiện là trung tâm sản xuất và phát triển chip tiên tiến của Trung Quốc.
Gói biện pháp mới đánh dấu bước đi chiến lược của Washington nhằm giữ vững vị thế dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ. Động thái này không chỉ làm sâu sắc thêm căng thẳng Mỹ - Trung, mà còn đặt các công ty công nghệ toàn cầu vào thế khó xử khi phải cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và tuân thủ chính sách.
Gói biện pháp mới của Mỹ cũng là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm kiềm chế sức mạnh công nghệ của Trung Quốc, đồng thời bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế. Dẫu vậy, cuộc đối đầu này không chỉ là câu chuyện giữa hai siêu cường, mà còn định hình lại chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu trong thập kỷ tới.
Với những biện pháp này, Mỹ gửi đi thông điệp rằng cuộc đua công nghệ không chỉ là về kinh tế, mà còn là ván cờ chiến lược với tầm nhìn dài hạn.