Thứ bảy 05/10/2024 10:23
Hotline: 024.355.63.010
Góc nhìn Chuyên gia

Mỹ hỗ trợ Việt Nam triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp để phát triển năng lượng sạch

06/07/2024 09:40
Tại sự kiện công bố nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp hôm 5/7, Đại sứ quán Mỹ hoan nghênh Chính phủ Việt Nam ban hành nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tái tạo của nhiều doanh nghiệp.
aa
Ảnh minh họa
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper. Nguồn ảnh TTO

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nói: "Tôi xin gửi lời chúc mừng chân thành tới Bộ Công Thương vì sự tận tụy và nỗ lực đưa cơ chế mua bán điện trực tiếp trở thành hiện thực".

Trong buổi lễ công bố nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp, Đại sứ Knapper nhấn mạnh: "Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ mở ra một kỷ nguyên mới trong hợp tác giữa hai nước chúng ta, và cơ chế mua bán điện trực tiếp là minh chứng cho quan hệ hợp tác ngày càng sâu sắc và cam kết chung giữa hai nước vì phát triển bền vững".

Theo Đại sứ quán Mỹ, từ năm 2017, Mỹ đã thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Công Thương trong quá trình thiết kế, xây dựng và phê duyệt cơ chế này.

Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, ban hành ngày 3/7, quy định mua bán điện trực tiếp qua hai hình thức: đường dây kết nối riêng hoặc qua lưới điện quốc gia. Theo đó, bên bán và bên mua có thể tự thỏa thuận giá đối với hình thức mua bán điện qua đường dây kết nối riêng, trừ một số trường hợp ngoại lệ áp dụng theo giá do Bộ Công Thương ban hành.

Các loại điện có thể được bán qua đường dây riêng gồm: điện từ năng lượng mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu, các dạng năng lượng tái tạo khác và hệ thống điện mặt trời mái nhà. Các dự án này phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực, hoặc được miễn trừ giấy phép theo quy định.

Đại sứ quán Mỹ lạc quan về nghị định này, cho rằng chính sách mới sẽ cho phép các doanh nghiệp ở Việt Nam mua điện trực tiếp từ các công ty sản xuất năng lượng tái tạo, giúp họ sử dụng 100% năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu hoạt động. Điều này không chỉ góp phần giúp Việt Nam thu hút đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo mà còn đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp đang muốn sử dụng điện tái tạo và có các cam kết giảm phát thải, sản xuất bền vững.

Theo Giám đốc USAID Việt Nam, Aler Grubbs, cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ giúp các doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và thúc đẩy mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mỹ sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong quá trình triển khai sáng kiến quan trọng này và mở rộng tiếp cận của Việt Nam đối với năng lượng sạch và tái tạo.

Cơ chế mua bán điện trực tiếp từng nhiều lần được các doanh nghiệp FDI đề nghị Việt Nam sớm triển khai thí điểm, trong đó có nhiều doanh nghiệp Mỹ, châu Âu và châu Á hoạt động trong các ngành sản xuất hoặc công nghệ cao. Những công ty này có các cam kết và lộ trình sản xuất giảm và tiến tới không phát thải trong bối cảnh thế giới đang hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu. Họ mong muốn được bảo đảm rằng điện sử dụng trong sản xuất phải 100% là điện sạch.

Khảo sát từ các tổng công ty điện lực, hiện nay có khoảng 3.200 khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ trên 500.000 kWh/tháng. Nhóm sử dụng trên 200.000 kWh lên đến 7.700 khách hàng.

Năm 2023, theo một cuộc khảo sát của Bộ Công Thương, có khoảng 20 doanh nghiệp lớn mong muốn mua điện trực tiếp bao gồm cả các tập đoàn lớn như Samsung hay Nike với tổng nhu cầu gần 1.000 MW. Trong khi đó, có 24 dự án năng lượng tái tạo với công suất 1.773 MW muốn bán điện trực tiếp, 17 dự án có công suất 2.836 MW cân nhắc tham gia.

Bình Anh

Bài liên quan
Tin bài khác
Chủ tịch Ericsson Việt Nam: "5G sẽ là nhân tố chuyển đổi quan trọng trong nhiều ngành"

Chủ tịch Ericsson Việt Nam: "5G sẽ là nhân tố chuyển đổi quan trọng trong nhiều ngành"

Chủ tịch Ericsson Việt Nam ước tính 5G sẽ chiếm khoảng 50% thuê bao di động vào năm 2029. Hiện nay, hơn 25% lưu lượng dữ liệu được truyền tải qua 5G.
Đánh thuế căn nhà thứ hai có kiểm soát được giá bất động sản?

Đánh thuế căn nhà thứ hai có kiểm soát được giá bất động sản?

Hiện nay vấn đề đánh thuế căn nhà thứ hai đang được đưa ra bàn thảo nhiều. Việc đề xuất của Bộ Xây dựng cũng như sự lên tiếng của Thứ trưởng Bộ Tài Chính về việc đề xuất đánh thuế căn nhà thứ hai.
Biến thách thức từ bất ổn năng lượng thành cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất

Biến thách thức từ bất ổn năng lượng thành cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất

Trong bối cảnh bất ổn năng lượng, các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam nên đầu tư vào năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững.
Chuyên gia kinh tế Lương Văn Tự: Giá cà phê sẽ nhanh chóng “rời đỉnh”

Chuyên gia kinh tế Lương Văn Tự: Giá cà phê sẽ nhanh chóng “rời đỉnh”

Giá cà phê Robusta đang có xu hướng tăng rất mạnh thời gian gần đây. Tuy nhiên, xu hướng này được dự báo sẽ không kéo dài.
Quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế: Góc nhìn từ ngành thuế

Quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế: Góc nhìn từ ngành thuế

Để tăng cường hiệu quả thu nợ, việc kết hợp nhiều biện pháp cưỡng chế khác nhau, cùng với ứng dụng công nghệ hiện đại, sẽ là yếu tố quyết định thành công trong quản lý thuế của Việt Nam.