Các nhà phân phối hàng hóa sỉ ở Mỹ đang lo ngại Amazon cướp mất “chén cơm” của họ khi ông lớn thương mại điện tử này nhắm đến các hợp đồng bán hàng cho chính phủ Mỹ. Ảnh: Financial Times |
Trong những năm gần đây, tập đoàn Amazon đang nhắm đến các hợp đồng bán hàng béo bở cho các cơ quan chính phủ Mỹ, làm dấy các chỉ trích từ các nhà bán sỉ khác, cho rằng Amazon đang giành “chén cơm” của họ.
Một điều khoản sửa đổi được thông qua trong Đạo luật Ủy quyền quốc phòng quốc gia 2018 cho phép Cơ quan quản lý dịch vụ tổng hợp (GSA) của chính phủ Mỹ tiến hành mua sắm hàng hóa thông qua các nền tảng thương mại điện tử như Amazon, Overstock, Staples và Walmart. Song các nhà phân phối hàng hóa sỉ khác gọi đây là “điều khoản sửa đổi vì Amazon” vì họ cho rằng điều khoản này sẽ dọn đường cho Amazon tước đoạt “chén cơm” của họ như cách mà Amazon đã làm đối với ngành bán lẻ.
Amazon bắt đầu tìm kiếm cơ hội kinh doanh với chính phủ Mỹ vài năm trước và năm 2017, Amazon đã ký một thỏa thuận bán hàng trong vòng 10 năm trị giá hơn 5,5 tỉ đô la Mỹ cho 1.500 cơ quan công quyền địa phương bao gồm 40 thành phố trong số 100 thành phố lớn nhất Mỹ. Amazon đã bị các tổ chức phi lợi nhuận vận động quyền lợi cho các địa phương, chẳng hạn Viện Tự lực địa phương (ILSR) chỉ trích kịch liệt vì họ nói rằng thỏa thuận này sẽ khiến chính phủ phải chi trả nhiều hơn để mua hàng hóa.
Năm ngoái, Amazon gần như đã giành được hợp đồng cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho Lầu năm góc với trị giá 10 tỉ đô la nhưng rốt cục, thương vụ sụp đổ một phần do các đối thủ cạnh tranh khiếu nại rằng Amazon đã tác động đến quy trình đấu thầu.
Hiệp hội Các nhà phân phối sỉ quốc gia Mỹ (NAW), một tổ chức đại diện cho các công ty lớn nhất trong một lĩnh vực trị giá 5.600 tỉ đô la doanh thu một năm, đang phát động một cuộc chiến truyền thông để đảm bảo rằng các thành viên của NAW không bị mất hợp đồng mua sắm của chính phủ vào tay Amazon.
GSA được giao nhiệm vụ tìm kiếm mô hình thương mại điện tử sẽ được sử dụng để mua hàng hóa của chính phủ nhưng cơ quan này lại đang thử nghiệm sử dụng một phiên bản nền tảng thương mại điện tử tương tự như Amazon nên NAW cho rằng Amazon sẽ là công ty duy nhất được hưởng lợi một khi chính phủ triển khai mua sắm hàng hóa thông qua các nền tảng thương mại điện tử.
“Bằng cách chỉ định duy nhất một kênh tiếp cận khách hàng chính phủ, các nguyên tắc cạnh tranh rộng lớn và chống độc quyền cốt lõi đã bị chà đạp”, Dirk Van Dongen, Chủ tịch NAW viết trong thư gửi cho các nghị sĩ Mỹ hồi tháng 2-2019.
GSA không đề cập đến mức phí trần mà các nền tảng thương mại điện tử có thể thu từ các bên bán hàng thứ ba cho chính phủ thông qua nền tảng của họ. Các nhà phân phối hàng hóa sỉ và ILSR lo ngại các bên bán hàng thứ ba có thể áp mức phí đến 15% tổng giá trị hàng hóa bán cho chính phủ. Trong trường hợp đó, Amazon sẽ kiếm được mức lợi nhuận lớn nếu các cơ quan chính phủ chọn mua hàng ở các bên bán hàng thứ ba trên nền tảng của Amazon.
Hơn nữa, các bên bán hàng thứ ba này có thể bị Amazon khai thác dữ liệu liên quan đến hàng hóa mà họ bán cho chính phủ. Amazon có thể sử dụng dữ liệu này để phát triển các nhãn hàng riêng của Amazon và cạnh tranh với các bên bán hàng thứ ba bằng các mức giá rẻ hơn.
Về phần mình, Amazon luôn nói rằng họ đầu tư rất nhiều để hỗ trợ các bên bán hàng thứ ba, giúp doanh thu bán hàng của họ vượt doanh thu từ mảng bán lẻ.
Vậy nếu các nhà bán sỉ không muốn bán hàng thông qua Amazon, tại sao họ không hợp tác cùng nhau để ra nền tảng của riêng họ? Stacy Mitchell, đồng giám đốc ILSR, cho biết khả năng này không xảy ra vì nhiều yêu cầu cụ thể mà GSA đặt ra cho nền tảng thương mại điện tử mà các cơ quan chính phủ sẽ mua hàng quá giống với mô hình của Amazon nên khó có khả năng các nền tảng khác có thể cạnh tranh nổi. Ngay cả khi họ có thể, có thể là quá muộn.
“Amazon cực kỳ giỏi trong những gì công ty đang làm với thương mại điện tử”, Van Dongen thừa nhận.
Dongen nói rằng các thành viên của NAW không ngại cạnh tranh và ủng hộ mục tiêu tăng hiệu quả, tiết kiệm trong hoạt động mua sắm hàng hóa của chính phủ thông qua thương mại điện tử. Nhưng đây là cuộc chiến thiết kế cách vận hành cuộc chơi. Các đối thủ cáo buộc Amazon đã sử dụng tầm ảnh hưởng vượt trội ở Washington để sắp xếp cuộc chơi thông qua các chiến dịch vận động hành lang mạnh mẽ hơn bất kỳ công ty nào khác.
Amazon đã tuyển dụng Anne Rung, cựu giám đốc Văn phòng Chính sách mua sắm công liên bang dưới thời Tổng thống Barack Obama vào ghế Giám đốc bộ phận mua sắm chính phủ ở mảng cung cấp vật tư cho doanh nghiệp Amazon Business.
Hồi tháng 12-2018, tờ Guardian tiết lộ Anne Rung đã trao đổi email với một quan chức cấp cao ở GSA để tư vấn về cách triển khai quy trình các cơ quan chính phủ mua thông qua nền tảng thương mại điện tử trước khi cả “điều khoản sửa đổi vì Amazon” được giới thiệu và ký thông qua vào năm ngoái. Amazon khẳng định bà Rung đã tuân thủ các quy tắc đạo đức của Nhà Trắng.
Zack Freed, nhà nghiên cứu của ILSR, cho rằng Amazon đang tìm cách tạo ra những thay đổi cơ bản cho các tiêu chuẩn mua sắm của chính quyền liên bang. Nhưng liệu mua hàng hóa thông qua nền tảng thương mại điện tử như Amazon có giúp tiết kiệm tiền thuế của dân? Có thể không.
Một nghiên cứu vào năm 2017 do hai nghiên cứu sinh ở trường Nghiên cứu sinh hải quân Mỹ ở bang California thực hiện, trong đó so sánh giá cả 60 mặt hàng phổ biến mà Không quân Mỹ thường mua đang được chào bán trên hệ thống mua sắm hiện tại của GSA và hệ thống Amazon Business của Amazon, cho thấy hệ thống của GSA luôn cung cấp các mức giá thấp hơn trong 80% thời gian (241 lần trong 300 lần so sánh).
Theo Financial Times