TP. Hồ Chí Minh không chỉ là đầu tàu kinh tế, mà còn là địa phương có truyền thống không ngừng sáng tạo, thí điểm những mô hình, giải pháp mới trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Nơi đây đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển sôi động, chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của ngành du lịch qua từng năm. Từ đó, đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận từ những bài học quý giá.
![]() |
TP. Hồ Chí Minh đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển sôi động, chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của ngành du lịch qua từng năm. |
Bài học đầu tiên đó chính là là phải biết kết nối mọi nguồn lực: tài nguyên thiên nhiên, con người, hạ tầng – và cả chính sách. Du lịch không thể phát triển độc lập, mà luôn cần đi cùng với giao thông, y tế, văn hóa, công nghệ… Khi Thành phố mở rộng địa giới sau sáp nhập, điều này càng thể hiện rõ, muốn phát triển bền vững, phải có cái nhìn tổng thể và hành động đồng bộ.
Bài học thứ hai là sự chủ động và sáng tạo. Là một ngành nhạy cảm với mọi biến động – từ dịch bệnh, thiên tai đến khủng hoảng kinh tế – du lịch TP. Hồ Chí Minh đã chứng minh được tinh thần thích nghi và không ngừng đổi mới. Từ việc ra mắt những sản phẩm du lịch xanh, các tour trải nghiệm văn hóa đô thị, cho đến việc kết hợp công nghệ để “kể chuyện” TP. Hồ Chí Minh một cách hiện đại hơn. Tất cả cho thấy một ngành du lịch luôn chuyển động.
![]() |
Rừng ngập mặn Cần Giờ, "lá phổi xanh" của du lịch TP. Hồ Chí Minh. |
Với tầm nhìn dài hạn, TP. Hồ Chí Minh đang đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Không chỉ là điểm đến nhộn nhịp, Thành phố còn muốn trở thành nơi khơi nguồn cảm hứng cho du khách, tạo động lực cho cả ngành du lịch Việt Nam cùng phát triển.
Sau khi mở rộng địa giới, TP. Hồ Chí Minh giờ đây có nhiều lợi thế hơn bao giờ hết, từ biển đảo, rừng ngập mặn, di tích lịch sử – cách mạng đến hệ sinh thái đô thị sôi động, hiện đại. Kết nối giao thông liên vùng cũng được đầu tư mạnh, tạo điều kiện để đón các sự kiện văn hóa, thể thao, giáo dục mang tầm quốc tế.
Theo thông tin từ Sở Du lịch Thành phố, Thành phố mang tên Bác đang từng bước hoàn thiện Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, không chỉ để tận dụng nguồn tài nguyên mới, mà còn để xác lập bản sắc riêng cho thương hiệu “Du lịch TP. Hồ Chí Minh” – một thương hiệu gắn với sự trẻ trung, sáng tạo, sống động và đầy tiềm năng.
![]() |
Công viên Bến Bạch Đằng - một địa điểm chụp hình đẹp dành cho du khách khi đến TP. Hồ Chí Minh. |
Từ năm 2021, chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Giờ đây, khi Thành phố được mở rộng, định hướng mới là “Mỗi xã, phường một hoạt động du lịch đặc trưng”. Đó có thể là một món ăn truyền thống, một làng nghề thủ công, một khu rừng sinh thái, hay một lễ hội mang đậm nét văn hóa địa phương. Mỗi sản phẩm không chỉ thu hút du khách, mà còn giúp người dân hiểu và tự hào hơn về quê hương mình.
TP. Hồ Chí Minh không phát triển du lịch chỉ để phục vụ người ngoài, mà còn để người trong Thành phố có cơ hội khám phá lại chính nơi mình đang sống.
Một điểm mạnh khác của du lịch TP. Hồ Chí Minh là biết làm mới những điều quen thuộc. Từ Lễ hội Áo dài được tổ chức hơn 11 năm nay, đến Lễ hội Sông nước – nơi giao thoa giữa văn hóa truyền thống và trình diễn hiện đại, du lịch Thành phố đã chứng minh “không cần đi đâu xa, chỉ cần biết kể chuyện đúng cách, thì từng con đường, con sông, từng tà áo dài hay món ăn dân dã… đều có thể trở thành một trải nghiệm đáng nhớ”.
Triết lý “sáng tạo truyền thống” sẽ tiếp tục được phát huy trong các sản phẩm du lịch mới, không chỉ để thu hút khách, mà còn giúp người dân hiểu rõ hơn giá trị của chính mình.
![]() |
Đồng diễn áo dài truyền thống tại Lễ hội Áo dài diễn ra hàng năm tại TP. Hồ Chí Minh. |
Liên kết để cùng phát triển
Không chỉ chăm chút cho bản thân, TP. Hồ Chí Minh cũng rất chủ động trong liên kết phát triển du lịch với các tỉnh thành khác. Đã có 46 tỉnh, thành (theo đơn vị cũ) bắt tay hợp tác với Thành phố trong việc chia sẻ tour tuyến, cùng nhau tổ chức sự kiện, truyền thông, đầu tư…
Trong giai đoạn mới, khi cả nước chỉ còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, TP. Hồ Chí Minh đang điều chỉnh chiến lược liên kết theo hướng Bắc – Trung – Nam, đảm bảo sự hiệu quả và thống nhất. Liên kết này không chỉ giúp các địa phương tiết kiệm nguồn lực, mà còn tạo ra những “hành trình xuyên vùng” đầy hấp dẫn – nơi TP. Hồ Chí Minh có thể là điểm bắt đầu, trung chuyển hoặc kết thúc đều mang lại giá trị cho khách.
Làm mới sản phẩm, chinh phục dòng khách giá trị cao
Cùng với việc làm mới các tour truyền thống, TP. Hồ Chí Minh cũng đang tập trung vào những phân khúc du lịch chuyên biệt và có giá trị cao, như: Du lịch y tế với hệ thống bệnh viện chất lượng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, đây là thế mạnh lớn; Du lịch MICE (hội nghị, hội thảo) với cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc tế giúp TP. HCM trở thành lựa chọn hàng đầu của các sự kiện lớn; Du lịch di sản số là những câu chuyện lịch sử, văn hóa được số hóa, dễ tiếp cận hơn với khách trẻ, khách quốc tế.
![]() |
Chợ Bến Thành - điểm check in ưa thích của nhiều bạn trẻ. |
Những loại hình này không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm mà còn đưa du lịch Thành phố lên một tầm cao mới – chuyên nghiệp, hiện đại và khác biệt.
65 năm là một chặng đường dài, nhưng với TP. Hồ Chí Minh, đó chỉ mới là điểm xuất phát cho một hành trình mới mẻ và đầy hứa hẹn. Bằng việc kết nối – sáng tạo – và gìn giữ bản sắc, Thành phố đang từng bước vẽ nên một bức tranh du lịch năng động, cởi mở, đậm đà bản sắc – xứng tầm đô thị dẫn dắt cả nước.