Các công ty khởi nghiệp ở Indonesia đang tặng điểm ưu đãi và nhiều phần thưởng khác để đổi lấy đồ tái chế của người dân, động thái này như một nỗ lực nhằm biến vấn đề rác thải vốn đang gây nhức nhối ở đất nước này thành một cơ hội kinh doanh tiềm năng.
Công ty khởi nghiệp Rekosistem có trụ sở tại Jakarta đã bắt đầu thử nghiệm hộp thu gom chai nhựa tự động tại một ga tàu điện ngầm đông đúc ở thủ đô Indonesia vào năm ngoái.
Hoạt động của loại máy này rất đơn giản. Người dùng quét mã QR bằng ứng dụng điện thoại thông minh của Rekosistem, sau đó đặt các chai vào bên trong. Họ nhận được điểm thưởng cho mỗi chai mà họ mang đến.
Theo Rekosistem, hộp thu tự động đã gom 100 đến 120 chai mỗi ngày. Công ty khởi nghiệp cũng vận hành một ki-ốt "Trạm rác thải" gần nhà ga, nơi tiếp nhận nhiều loại rác tái chế, cũng như dịch vụ nhận hàng tài chế từ các gia đình và công ty lên lịch trên ứng dụng của họ.
Sau đó, người dùng có thể chuyển đổi điểm thưởng thành GoPay Coins, một loại tiền kỹ thuật số do tập đoàn công nghệ GoTo của Indonesia điều hành. Trong khi đó, Rekosistem bán những gì thu được cho các công ty tái chế.
Giám đốc điều hành Ernest Layman cho biết, startup vẫn đang đốt tiền để đầu tư vào việc phát triển năng lực và đổi mới các tính năng nhưng dự kiến sẽ có lãi đều đặn trong vòng 5 đến 7 năm tới. Công ty đã ký một biên bản ghi nhớ với công ty thương mại Nhật Bản Marubeni vào tháng 4, tìm cách tận dụng mạng lưới của công ty này để tăng thu nhập.
Sự cạnh tranh càng gay gắt khi ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ thu gom rác tái chế bằng các ứng dụng. Octopus Indonesia vận hành một thùng thu gom ở cùng ga tàu điện ngầm. Họ đã ký một thỏa thuận với chi nhánh địa phương của nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi để thúc đẩy tái chế rác thải điện tử, báo cáo truyền thông Indonesia cho biết. Một đối thủ khác là Plasticpay cũng chuyên thu gom chai nhựa.
Với dân số và nền kinh tế ngày càng mở rộng, Indonesia ngày càng thải ra nhiều chất thải hơn mỗi năm. Theo Bộ Mội trường nước này cho biết, rác thải nhựa đã tăng khoảng 40% so với năm 2019 lên mức 6,68 triệu tấn vào năm 2021.
Chính phủ đã có những tác động nhằm điều chỉnh lại vấn đề này. Bộ Môi trường đang yêu cầu các nhà sản xuất, nhà hàng và nhà bán lẻ giảm tổng lượng rác thải xuống 30% vào ngày 1 tháng 1 năm 2030. Các công ty đang đổ xô vào lĩnh vực này với hy vọng trở thành người dẫn đầu trong một ngành vẫn còn nhiều thị phần để khai thác.
Tuy nhiên, một mình chính phủ sẽ không thể giải quyết vấn đề. Một trong những lý do khiến Indonesia ngày càng tạo ra nhiều rác thải là do người dân thiếu ý thức về tái chế và nhiều vẫn chưa chú trọng vào vấn đề rác thải. Tạo ra một hệ thống có thể thu gom một lượng lớn chất thải cũng rất quan trọng. Công nghệ kỹ thuật số có thể là chìa khóa của vấn đề này.
Các công ty khởi nghiệp cũng đang giải quyết vấn đề tái chế ở nhiều nơi trên Đông Nam Á. Trash Lucky ở Thái giúp mọi người tái chế và giành giải thưởng thông qua chương trình Trash-to-Raffle. Mọi người có thể gửi các mặt hàng có thể tái chế đến Trash Lucky để đổi lấy các phiếu rút thăm may mắn giành được các giải thưởng như vàng hoặc phiếu mua hàng. Trong khi giá trị của giải thưởng lớn hiện tại là 5.000 Baht (160 USD), trong tương lai, Trash Lucky đặt mục tiêu tăng lên một triệu Baht (33.000 USD). Tại Singapore, Tập đoàn Alba thu thập máy tính cũ, điện thoại và các thiết bị điện tử khác để đổi lấy số điểm có thể chi tiêu tại các doanh nghiệp đối tác.
Đông Nam Á là những khu vực điểm nóng về xả rác thải nhựa ra đại dương và có tác động tiềm ẩn đối với đa dạng sinh học .Điều này làm cho khu vực trở thành một thị trường hấp dẫn cho các dự án môi trường, có khả năng thu hút nhiều công ty khởi nghiệp mới trong lĩnh vực thu gom rác thải và cung cấp giải pháp tái chế.
Bảo Bảo