Micron Technology trở thành công ty bán dẫn nước ngoài đầu tiên bị Trung Quốc điều tra, được cho là động thái đáp trả lệnh cấm từ Mỹ.
Theo Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) ngày 31/3, Micron Technology bị điều tra là để "bảo vệ an ninh chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng", cũng như "ngăn ngừa rủi ro an ninh không gian mạng từ các sản phẩm có vấn đề".
Một ngày sau, Micron cho biết "đang liên lạc với CAC và sẽ hợp tác đầy đủ". Công ty cũng khẳng định hoạt động kinh doanh của họ luôn bảo đảm tính liêm chính và bảo mật.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning mùng 3/4 xác nhận, cuộc điều tra là một biện pháp thông thường được thực hiện để "tiến hành đánh giá an ninh mạng đối với các sản phẩm internet ảnh hưởng hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia".
"Cả công ty Trung Quốc và công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc đều phải tuân thủ luật pháp và quy định của Trung Quốc, không được gây nguy hại cho an ninh quốc gia của Trung Quốc", bà Mao nhấn mạnh.
Công ty Micron chiếm khoảng 11% doanh số bán chip tại Trung Quốc và sau thông tin công ty này bị điều tra, cổ phiếu Micron đã giảm 4,4% trên sàn New York.
Cuộc điều tra nhằm vào công ty Micron được coi là mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến chip của Trung Quốc với Mỹ, khi quốc gia này đang có những động thái ngăn cản Trung Quốc phát triển công nghệ tiên tiến và đưa các công nghệ này vào thị trường Mỹ.
Trong những năm gần đây, chính quyền Mỹ đã tìm cách ngăn chặn công nghệ chip tiên tiến của nước này xuất khẩu sang Trung Quốc, áp đặt các biện pháp kiểm soát đối với khả năng bán sản phẩm của các công ty Mỹ ra nước ngoài. Washington cũng tìm cách thuyết phục các đồng minh hành động tương tự.
Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc điều tra Micron của Trung Quốc là một đòn "trả đũa" công khai với Mỹ và các đồng minh.
Xét trên góc độ khác, cuộc điều tra của Trung Quốc với Micron rõ ràng đang tạo động lực các công ty hoạt động trong ngành chip của Bắc Kinh.
Bằng chứng là cổ phiếu chip của Trung Quốc tăng mạnh sau khi thông tin về cuộc điều tra được công bố, khi các nhà đầu tư đặt cược nỗ lực tự lực cánh sinh của nước này trong lĩnh vực chip có thể thúc đẩy các công ty bán dẫn của quốc gia này.
Chỉ số CNI Chips, theo dõi các cổ phiếu lớn nhất trong ngành bán dẫn ở Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, đã tăng tới 5,2% vào thứ Hai (3/4), mức tăng lớn nhất được ghi nhận kể từ tháng 11, theo SCMP.
Mức quan tâm đột biến tới các cổ phiếu chip trong nước cũng giúp nâng Chỉ số CSI 300 lên 0,9% trong ngày thứ 4 liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 1/2023.
Trong ngày, cổ phiếu của nhà sản xuất bộ xử lý trung tâm Ingenic Semiconductors tăng 12,7% lên 100,3 NDT trên sàn Thâm Quyến, Advanced Micro-Fabrication Equipment tăng 11% lên 163,9 NDT tại sàn Thượng Hải. Tại Hong Kong, cổ phiếu nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC tăng 7,8% lên 20,05 HKD, trong khi công ty cùng ngành Hua Hong Semiconductors tăng 6% lên 36,8 KHD.
"Cuộc điều tra về Micron mở ra những cơ hội mới cho ngành công nghiệp chip nhớ trong nước”, nhà phân tích Ma Liang của Essence Securities cho biết trong một báo cáo nghiên cứu mới đây.
Nhà phân tích Xu Tao của Citic Securities cho biết các khách hàng Trung Quốc của Micron có khả năng chuyển đơn đặt hàng sang các nhà cung cấp địa phương. Tuy nhiên, một số người vẫn tỏ ra thận trọng và cho rằng việc tăng thị phần trong lĩnh vực chip của Trung Quốc có thể không duy trì được trong thời gian dài.
Niu Chunbao, nhà quản lý quỹ tại Shanghai Wanji Asset Management Co, cho biết: “Không rõ liệu các sản phẩm của Micron có thực sự bị cấm hay không và yếu tố cốt lõi đằng sau các động thái của ngành vẫn là sự phục hồi của nhu cầu điện tử”.
Giữa lúc toàn ngành chip ảm đạm, cuộc điều tra của Trung Quốc có thể sẽ mang lại lợi ích cho các đối thủ của công ty Micron trên thị trường chip nhớ toàn cầu. Do đó, các thủ tục tố tụng liên quan đến cuộc điều tra và kết quả điều tra cuối cùng sẽ được các công ty đa quốc gia đang hoạt động ở Trung Quốc theo dõi chặt chẽ.
Với các công ty công nghệ Mỹ, cuộc điều tra của CAC gây thêm rủi ro pháp lý với hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc, bởi tất cả doanh nghiệp nước ngoài đều chịu sự quản lý của Bộ Thương mại và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc.
Minh Hùng (t/h)