Mặt tối đằng sau mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc

09:19 11/10/2021

Trong giai đoạn thực hiện đầu tiên, đa số các hạng mục đường sắt cao tốc nằm ở khu vực phía Đông của đất nước với nền kinh tế phát triển và mật độ dân số cao. Ngày nay, hệ thống đã mở rộng đến các khu vực ít dân cư hơn và đến năm 2035, theo kế hoạch của chính phủ, tổng chiều dài dự kiến ​​sẽ tăng gần gấp đôi lên 70.000 km. Tuy nhiên, liệu các khu vực kém phát triển có cần đường sắt cao tốc hay không đã gây ra nhiều tranh cãi.

Trung Quốc có kế hoạch tiếp tục phát triển đường sắt cao tốc
Trung Quốc có kế hoạch tiếp tục phát triển đường sắt cao tốc. (Ảnh: Xinhua) 

Theo một nghiên cứu mới, mạng lưới đường sắt cao tốc có khả năng ảnh hưởng tiêu cực hơn là hỗ trợ thực thể kinh tế địa phương ở phía Tây Trung Quốc. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Geographical Research chỉ ra mỗi ga đường sắt cao tốc ở miền Tây Trung Quốc tương ứng với mức giảm hơn 1,5% cường độ hoạt động kinh tế địa phương.

Giáo sư Noi Fangqu và các đồng nghiệp thuộc Viện Khoa học Địa lý và Tài nguyên Thiên nhiên của Học viện Khoa học Trung Quốc cho biết trong bài báo: "Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên của đường sắt cao tốc. Nhiều thành phố hy vọng sử dụng cơ sở hạ tầng đường sắt nhằm kích thích kinh tế. Tuy nhiên, hạng mục này sẽ có nhiều điểm khác biệt ở những thành phố khác nhau. Hiểu biết đầy đủ về ảnh hưởng của đường sắt cao tốc là yếu tố quan trọng nhằm điều phối phát triển kinh tế địa phương". 

Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc lớn đến mức nào?

Các nhà nghiên cứu dựa trên tính toán thay đổi ánh sáng ban đêm, phân tích dữ liệu vệ tinh của 527 nhà ga tại 180 thành phố kể từ năm 2004, khi dự án đường sắt cao tốc của Trung Quốc bắt đầu. Họ phát hiện ra rằng ở miền Đông Trung Quốc, một ga đường sắt cao tốc đã thúc đẩy nền kinh tế gần 9% trong phạm vi 4 km (2,5 dặm). Ở khu vực miền Trung, mức tăng là 3,6% và ở phía Đông Bắc là 4,4%. Theo Niu, đánh giá tác động của đường sắt cao tốc không hề dễ dàng vì bao gồm nhiều yếu tố tác động. 

Trung Quốc đã xây dựng gần 38.000km đường sắt cao tốc trong vòng 15 năm qua, theo đó các đoàn tàu có thể di chuyển với tốc độ lên tới 350km/h. Trong giai đoạn thực hiện đầu tiên, đa số các hạng mục đều nằm ở các khu vực phía Đông của đất nước với nền kinh tế phát triển và mật độ dân số cao. Các thành phố tại khu vực này cạnh tranh gay gắt để dành được dự án vì tin rằng đường sắt cao tốc hiện đại sẽ mang lại lợi thế kinh tế. Ngày nay, hệ thống đã mở rộng đến các khu vực ít dân cư hơn trong những năm gần đây và đến năm 2035, theo kế hoạch của chính phủ, tổng chiều dài dự kiến ​​sẽ tăng gần gấp đôi lên 70.000 km.

Tuy nhiên, liệu các khu vực kém phát triển có cần đường sắt cao tốc hay không đã gây ra nhiều tranh cãi. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Kinh tế Công nghiệp Trung Quốc vào tháng trước cho thấy, xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc đã đẩy nhanh "chảy máu chất xám" từ các khu vực phía Tây sang phía Đông. Ví dụ, các đơn xin cấp bằng sáng chế ở các thành phố phía Tây có xu hướng giảm đáng kể sau khi một đường dây tốc độ cao được xây dựng trong khu vực.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu ở Chifeng, Nội Mông kết luận rằng, một tuyến cao tốc được khai trương ở thành phố này vào năm ngoái sẽ không có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế địa phương và lĩnh vực công nghiệp có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất do sự di chuyển dân số lớn hơn. Số khác cho rằng, cơ sở hạ tầng giao thông mới có thể kích thích doanh số bán bất động sản, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào miền Trung và miền Tây Trung Quốc hoặc tăng thu thuế của chính quyền địa phương.

TL (theo SCMP)