Mạo danh doanh nghiệp bất động sản uy tín để “câu khách” vẫn còn là vấn đề nhức nhối

10:59 25/02/2021

Hàng loạt doanh nghiệp địa ốc lớn như Tập đoàn Hưng Thịnh, Him Lam, Đại Phúc, Novaland, Nam Long… đang “đau đầu” vì tình trạng “nhái” thương hiệu tràn lan này, gây nhầm lẫn cho khách hàng và ảnh hưởng không nhỏ đến các chủ đầu tư uy tín.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, Chủ tịch GP Invest cho hay, mới đây, một dự án BĐS tại 149 đường Trường Chinh đã sử dụng nhãn hiệu Tràng An và gắn thêm chữ Residence để gắn cho dự án của mình. Sở dĩ nhãn hiệu Tràng An Complex bị nhái là do dự án này được thị trường đánh giá cao. Chênh lệch từ khi mua căn hộ đến khi khách hàng bán lại lên đến 25%. "Như vậy, dự án Tràng An Residence này "nhập nhèm" tên dự án Tràng An Complex để đánh lừa khách hàng", ông Hiệp nói.

Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, cuối tháng 1/2021, doanh nghiệp này đã có đơn gửi Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) tố cáo Công ty cổ phần Bất động sản Vạn An Phát giả mạo Tập đoàn Hưng Thịnh để bán hàng.

Cụ thể, ngày 22/1/2021, doanh nghiệp được một khách hàng cung cấp thông tin về thư mời có in logo của Tập đoàn Hưng Thịnh và nội dung Tập đoàn Hưng Thịnh mời khách hàng đến dự chương trình Tri ân khách hàng vào lúc 8h ngày 24/1/2021 tại tòa nhà Cantavil Hoàn Cầu (số 600 - Điện Biên Phủ, phường 22, Bình Thạnh, TP.HCM).

Ngay khi có thông tin, Tập đoàn Hưng Thịnh liên hệ với đơn vị quản lý tòa nhà Cantavil Hoàn Cầu thì được biết, không có bất kỳ sự kiện nào được tổ chức tại tòa nhà này vào thời gian như ghi trong giấy mời.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, cạnh tòa nhà, có một nhóm khoảng 50 người (hầu hết đều đeo bảng tên Công ty Bất động sản Vạn An Phát) tập trung để đón khách đi Long Thành (Đồng Nai) để tham quan dự án.

Khi phía Tập đoàn Hưng Thịnh tiếp cận, thì một người trong nhóm tự nhận là nhân viên của Công ty cổ phần Bất động sản Vạn An Phát cho biết, Công ty Bất động sản Vạn An Phát là chủ đầu tư dự án đất nền rất tiềm năng, là đối tác có uy tín, có ký kết hợp tác với Tập đoàn Hưng Thịnh để mở bán dự án tại Long Thành và đang có chương trình tri ân khách hàng, rút thăm trúng thưởng tại nơi mở bán…

Trong thông cáo phát đi, Tập đoàn Hưng Thịnh khẳng định, không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến Công ty Cổ phần Bất động sản Vạn An Phát. Hoạt động nói trên là hành vi giả mạo do một nhóm người tự giới thiệu là nhân viên kinh doanh của Công ty cổ phần Bất động sản Vạn An Phát thực hiện nhằm tiếp cận, lôi kéo, lừa dối khách hàng hướng đến việc mua bán sản phẩm bất động sản của công ty này.

Dự án Hưng Thịnh Cát Tường không liên quan gì đến… Tập đoàn Hưng Thịnh. Ảnh: Việt Dũng
Dự án Hưng Thịnh Cát Tường không liên quan gì đến… Tập đoàn Hưng Thịnh. Ảnh: Việt Dũng. 

Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên, Tập đoàn Hưng Thịnh bị mạo danh. Đầu tháng 1/2020, một số báo điện tử đã đăng tải thông tin vụ việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An thông báo truy tìm đối tượng là lãnh đạo, đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Hưng Thịnh (Công ty Hưng Thịnh Long An) để điều tra, xác minh tố giác tội phạm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền góp vốn/thanh toán của nhà đầu tư tại Dự án Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường do Công ty Hưng Thịnh Long An làm chủ đầu tư.

Khi đó, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng phát đi thông báo khẳng định, Công ty Hưng Thịnh Long An không thuộc hệ thống công ty thành viên và không có bất cứ mối liên hệ nào với Tập đoàn Hưng Thịnh; Dự án Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường cũng không thuộc danh mục các dự án do Tập đoàn Hưng Thịnh đầu tư, phân phối.

Trở lại sự việc của Công ty Cổ phần Bất động sản Vạn An Phát, ngay sau khi Tập đoàn Hưng Thịnh phát đi thông báo cảnh báo, ông Lê Phạm Khoa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Vạn An Phát đã ký văn bản phản hồi, khẳng định Công ty không tổ chức và tiến hành gửi bất kỳ thư mời nào về sự kiện tri ân khách hàng trên.

Không riêng trường hợp của Tập đoàn Hưng Thịnh, trước đó, Công ty Cổ phần Địa ốc Him Lam cũng bị các doanh nghiệp môi giới sử dụng hình ảnh thương hiệu trong các tờ rơi phát ra trên địa bàn TP.HCM.

Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long từng phát thông cáo “kêu cứu” vì bị Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nam Long Real sử dụng trái phép, xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu “Nam Long” đã được bảo hộ độc quyền.

Ngoài ra, một số “ông lớn” bất động sản khác như Vạn Phúc, Đất Xanh, Phú Đông Group, Hà Đô, Cát Tường… cũng từng đưa ra cảnh báo với khách hàng về việc bị một số fanpage, website mượn danh để lừa đảo bán dự án.

Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) đã thường xuyên phải tiếp nhà đầu tư đến hỏi han về các dự án đất nền giá rẻ mà những người quan tâm, cho biết: “Công ty đang rao bán đầy trên mạng”. Tá hỏa, Becamex IDC cho người kiểm tra thì phát hiện tình trạng hàng loạt tài khoản facebook sử dụng thương hiệu và cả những trang web “na ná” tên doanh nghiệp này để mời gọi khách hàng bằng những thông tin hấp dẫn như “Đầu tư đất nền Khu công nghiệp Becamex giá rẻ, nằm ngay trong lòng khu công nghiệp, liền kề Quốc lộ 14, xây dựng tự do, giá chỉ từ 590 triệu/nền…”

Chắn chắc đã có một số khách hàng “sập bẫy” dù ngay sau khi phát hiện sự việc, Becamex IDC đã phát đi thông báo khẳng định rằng, tất cả những thông tin nói trên hoàn toàn không liên quan đến Công ty. Doanh nghiệp này cũng cho biết, “không có chủ trương, không liên kết và không liên quan đến bất kỳ cá nhân, tổ chức nào để phân phối các sản phẩm bất động sản mang danh Becamex IDC trên facebook hoặc trên các mạng xã hội khác”.

Từ đề xuất xử lý của Becamex IDC, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã phối hợp cùng cơ quan chức năng xác minh có 19 tài khoản facebook mạo danh doanh nghiệp này và ra quyết định xử phạt hành chính 6 đối tượng, các trường hợp còn lại đang được tiếp tục mời lên làm việc và xử lý.

Chống lại vi phạm thương hiệu trong lĩnh vực bất động sản như thế nào?

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho biết, hiện tượng "nhái" thương hiệu đang khá phổ biến và chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp môi giới nhỏ, năng lực hạn chế. Các doanh nghiệp nhỏ này không tự khẳng định thương hiệu bằng sản phẩm hay xây dựng tên tuổi doanh nghiệp của mình, mà phải “dựa hơi” những “ông lớn” trên thị trường để bán hàng. Điều này không chỉ gây tổn thất cho doanh nghiệp bị nhái thương hiệu mà còn khiến thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển bền vững.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW cho biết: Trước đây, đã có trường hợp công ty vincon có sếp bị công an bắt do đánh bạc đã gây ảnh hưởng lớn tới thương hiệu bất động sản vincom và Vincom để phải dùng các biện pháp pháp lý, cải chính thông tin để người tiêu dùng hiểu rõ vụ việc. Người tiêu dùng sẽ rất khó để phân biệt khi 2 thương hiệu na ná nhau. 

Từ vụ việc trên có thể thấy việc “nhái” thương hiệu trong kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực bất động sản nói riêng gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp đặc biệt là trong các sự cố, các scandal và ở một khía cạnh khác, ảnh hưởng tới uy tín, doanh thu của thương hiệu bất động sản. 
Trong một số lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực hàng tiêu dùng và xe máy, khi các doanh nghiệp bị vi phạm về nhãn hiệu như sử dụng tên trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn thì các doanh nghiệp này sẽ cương quyết xử lý vi phạm, họ thường có một bộ phận theo dõi thị trường, khi phát hiện hành vi vi phạm, họ ngay lập tức thu thập chứng cứ, sau đó sẽ dùng các biện pháp về hành chính, dân sự và thậm chí cả hình sự để bảo vệ quyền lợi của mình. 
Luật sư Hà nhấn mạnh: "Theo quan sát của tôi, trong lĩnh vực bất động sản, có rất nhiều thương hiệu bị nhái, tuy nhiên, rất ít vụ việc được các bên đem ra cơ quan pháp luật để xử lý, gây ra nhầm lẫn cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tới chủ sở hữu nhãn hiêu, có thể lý giải một số nguyên nhân của tình trạng này: Giữa các chủ đầu tư thường có quan hệ với nhau, đôi khi là mật thiết, vì vậy có sự nể nang, không xử lý. Các chủ đầu tư khi chọn cho mình một tên đẹp cho dự án, tuy nhiên, lại quên đăng ký nhãn hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ, và nếu không đăng ký, một bên sử dụng nhãn hiệu đó, họ sẽ không có cơ sở để xử lý, sẽ chỉ xử lý được khi đã đăng ký nhãn hiệu và được Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Khi phát hiện ra vi phạm, các chủ đầu tư cũng không muốn đưa ra xử lý vi ngại việc pháp lý, truyền thông biết, khó bán hàng, các chủ đầu tư đều muốn dự án của mình hanh thông, không muốn dính đến pháp luật, kể cả khi mình đúng. ...
Từ những lý do trên, để có thể bảo vệ mình về mặt pháp lý, các chủ đầu tư về lĩnh vực bất động sản nên quan tâm tới vấn đề sau khi đặt tên thương hiệu. 
1. Khi tìm kiếm tên cho một dự án, cần chọn nhiều tên, sau đó thuê luật sư sở hữu trí tuệ kiểm tra xem khả năng đăng ký nhãn hiệu có được không? Nếu được sẽ lựa chọn tên đó để đăng ký, thời gian đăng ký là 12 tháng.  Nếu tên đã trùng và tương tự gây nhầm lẫn với thương hiệu khác rồi, nên tránh, không nên cố đấm ăn xôi, có thể sẽ rắc rối về sau. 
2. Khi bị vi phạm nhãn hiệu, ví dụ thương hiệu của mình là Hùng Thịnh, đã đăng ký nhãn hiệu rồi, đã được Cục SHTT cấp văn bằng, có đơn vị khác lấy chữ Hùng Thịnh hoặc Hùng Thịnh Group, thì có thể lựa chọn các cách xử lý sau: 
– Lập vi bằng về hành vi vi phạm.
– Gửi bằng chứng vi phạm và nhờ cơ quan giám định sở hữu trí tuệ kết luận về khả năng vi phạm.
– Gửi thư cảnh báo vi phạm đến bên vi phạm, cho họ thời gian khắc phục, nếu họ không khắc phục và dừng hành vi vi phạm thì: Đề nghị thanh tra sở hữu trí tuệ tiến hành thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính. Khởi kiện ra toà để ngừng hành vi vi phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu thiệt hại lớn, có thể đề nghị khởi tố vụ án hình sự.

Còn theo luật sư Nguyễn Bích Trâm (Đoàn Luật sư TP.HCM), khi phát hiện thương hiệu của mình có dấu hiệu bị xâm phạm, doanh nghiệp cần thông báo và yêu cầu bên vi phạm đổi tên. Tiếp theo, nên gửi công văn tới cơ quan chức năng để báo cáo về sự trùng lặp thương hiệu, đồng thời nên đưa ra thời gian cụ thể cho phía vi phạm thương hiệu khắc phục.

“Nếu hành vi vi phạm thương hiệu vẫn tiếp diễn, ngay khi có đủ bằng chứng, doanh nghiệp cần khởi kiện ra tòa, phối hợp với việc công bố rộng rãi để công chúng và khách hàng biết cách phòng tránh”, bà Trâm khuyến nghị.

Việc khởi kiện, tỏ thái độ quyết liệt và cứng rắn là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn kịp thời và đề phòng các doanh nghiệp “nhái” thương hiệu có hành vi lừa dối, lừa đảo người mua hàng, gây mất uy tín của các doanh nghiệp chân chính.

Đức Anh