Lý do rút lui của nhiều doanh nghiệp phân phối và bán lẻ xăng dầu

09:57 17/06/2024

Theo Bộ Công Thương, có tới 16 doanh nghiệp xăng dầu (DN) đề nghị trả lại giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu từ đầu năm đến nay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo Bộ Công Thương, việc tham gia và rút lui của doanh nghiệp trong thị trường xăng dầu là "thường xuyên" và "bình thường". Tuy nhiên, sự gia tăng đáng kể số lượng doanh nghiệp tự trả lại giấy phép trong hơn 5 tháng đầu năm 2024 đã làm dấy lên những lo ngại trong cộng đồng kinh doanh xăng dầu về quản lý và cấp phép của cơ quan chức năng. Thực tế, từng có thời điểm số lượng thương nhân phân phối xăng dầu lên tới gần 350 doanh nghiệp.

Tính đến nay, nước ta còn 298 thương nhân tham gia kinh doanh xăng dầu. So với lúc cao điểm của năm 2023 là 330 thương nhân, thì tổng số doanh nghiệp rời thị trường là 32 đơn vị. Trong số này, có cả doanh nghiệp lớn bị Bộ Công thương thu hồi giấy phép kinh doanh do sai phạm, liên quan đến thuế và Quỹ bình ổn xăng dầu là Công ty Xuyên Việt Oil (bị thu hồi tháng 8/2023) và Hải Hà Petro (bị thu hồi tháng 1/2024)…

Chia sẻ với báo giới cụ thể hơn về hiện tượng nêu trên, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, trước đó Bộ Công thương đã đề nghị các thương nhân đầu mối, phân phối báo cáo về điều kiện kinh doanh theo quy định. Qua rà soát cho thấy, nhiều đơn vị không duy trì được các điều kiện này nên đã chủ động trả lại giấy chứng nhận.

Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, một thương nhân phân phối xăng dầu tại Đồng Nai cho biết việc một số thương nhân phân phối xin dừng hoạt động một phần do hậu quả từ việc một loạt các thương nhân đầu mối bị rút giấy phép, dừng hoạt động. Nhiều thương nhân phân phối được thành lập với mục đích đầu tư tài chính, bất động sản và hợp thức hóa dòng tiền, khi các thương nhân này bị rút giấy phép, buộc các thương nhân phân phối phải dừng hoạt động.

Ngoài ra, các biến động của thị trường xăng dầu và sự siết chặt hoạt động quản lý, trong đó có việc siết hóa đơn khi bán xăng dầu, đã khiến lợi nhuận kinh doanh không còn hấp dẫn, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp xin rút khỏi thị trường.

Ông Hưng, một thương nhân phân phối tại TP.HCM, bày tỏ lo ngại rằng trong thời gian tới, số lượng thương nhân phân phối và các doanh nghiệp bán lẻ có thể sẽ phải rời bỏ thị trường nhiều hơn. Dự thảo sửa đổi các nghị định kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương đang gây ra lo ngại với các quy định hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp phân phối, thắt chặt hơn nữa hoạt động kinh doanh của họ. Một trong những quy định đó là thương nhân phân phối "chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu".

Hiện tại, số thương nhân đầu mối chỉ có khoảng 30 đơn vị, trong khi số thương nhân phân phối lên tới hơn 300, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa xăng dầu đến nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Ngoài ra, những quy định mới có thể gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh như: Quy định về kinh doanh xăng dầu yêu cầu thương nhân phân phối phải sở hữu kho, bể có dung tích tối thiểu 2.000m3, có phương tiện vận tải, phòng thử nghiệm, và tối thiểu 5 cửa hàng bán lẻ cùng 10 cửa hàng thuộc các đại lý hoặc thương nhân nhượng quyền. Tuy nhiên, ở những địa bàn xa trung tâm, nhiều thương nhân đầu mối không có hệ thống bồn bể, cửa hàng bán lẻ rộng khắp. Nếu chỉ được lấy hàng từ doanh nghiệp đầu mối, việc lưu trữ, vận chuyển sẽ gặp khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường biến động, ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu.

Một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại Bình Dương phân tích thêm, tại thời điểm diễn ra thiếu xăng dầu cục bộ ở nhiều tỉnh thành, nhiều đơn vị không thể mua xăng dầu từ các doanh nghiệp đầu mối đã phải chuyển hướng mua từ các thương nhân phân phối, giúp giảm tình trạng đóng cửa kéo dài.

Nếu chỉ cho phép doanh nghiệp phân phối được mua hàng từ doanh nghiệp đầu mối, có thể gây nên tình trạng đứt nguồn, tăng thêm chi phí vận chuyển và bảo quản, lưu thông. Ông Thanh, một thương nhân phân phối lớn tại miền Bắc, lo ngại rằng nếu quy định này được áp dụng, khâu bán buôn trên thị trường sẽ không thể phát triển, doanh nghiệp xăng dầu không chỉ bị giảm doanh số, mà còn phải giảm nhân sự và gặp khó khăn về tín dụng ngân hàng, dẫn đến nguy cơ đứt gãy nguồn cung và giảm sự cạnh tranh trên thị trường.

Trong đơn kiến nghị của nhóm thương nhân phân phối xăng dầu gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành liên quan, họ đã chỉ ra rằng hàng ngàn doanh nghiệp phân phối, đại lý và bán lẻ xăng dầu đang bị lệ thuộc vào các thương nhân đầu mối. Quy định chỉ cho phép thương nhân phân phối được mua hàng từ thương nhân đầu mối có thể tạo thêm lợi thế cho doanh nghiệp lớn, triệt tiêu khả năng cạnh tranh công bằng trong chuỗi cung ứng và phân phối xăng dầu.

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng trong suốt một thời gian dài, họ phải chấp nhận lợi nhuận cực thấp, thậm chí không có, để duy trì hoạt động. Mặc dù hiện tại chiết khấu bán lẻ xăng dầu đã tăng, giúp doanh nghiệp đảm bảo trả lương cho người lao động, tiền thuê mặt bằng và các khoản chi phí khác, họ vẫn đối diện với nhiều khó khăn.

Các doanh nghiệp nhấn mạnh rằng hiện có nhiều quy định về kinh doanh xăng dầu còn bất cập, gây khó khăn và chưa tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và bình đẳng. Đa số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhỏ luôn trong tình trạng bấp bênh, thậm chí nhiều doanh nghiệp căng thẳng, đau đầu mỗi lần giá xăng dầu điều chỉnh.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng cơ chế giá hiện tại đang tính ngược từ khâu bán lẻ lên trên, do đó đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên là các doanh nghiệp bán lẻ.

Nhiều chuyên gia nhận định, do hoạt động kinh doanh thua lỗ từ đầu mối đến các khâu thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu, nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy hàng của các đại lý. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ và buộc phải cắt giảm sản lượng kinh doanh.

Ngoài ra, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao, trong khi chi phí này chưa được tính đủ vào giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành. Điều này khiến doanh nghiệp hạn chế lượng nhập khẩu để giảm thiểu thua lỗ.

Thêm vào đó, tín dụng bị thắt chặt, giá xăng dầu tăng, và tỷ giá USD so với Việt Nam đồng tăng cao gây ảnh hưởng đến giá nhập khẩu, khiến các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng lớn. Họ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Hà Nguyên t/h