
Lý do đằng sau mức lương 1 USD của các CEO công nghệ
Ông chủ Facebook - Mark Zuckerberg, CEO Tesla - Elon Musk, co-founder Google - Larry Page và Sergey Brin, nhà đồng sáng lập Apple - Steve Jobs... là những cái tên nổi bật góp mặt trong câu lạc bộ người giàu “lương 1 USD”.

Nguồn gốc của mức lương 1 đô la
Vào đầu những năm 1940, khi nước Mỹ trong giai đoạn cố gắng thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong lúc cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đang diễn ra, một số nhà lãnh đạo kiệt xuất như Philip Reed - CEO của GE và William S. Knudsen - Chủ tịch General Motors đã cung cấp dịch vụ của họ miễn phí cho chính phủ. Tuy nhiên, luật pháp cấm Washington thuê các tình nguyện viên mà không trả lương, những người này đã được đề nghị trả mức lương 1 USD. Họ được mệnh danh là ‘những người đàn ông 1 USD/ năm’.
Nhiều thập kỷ sau, khái niệm này đã được một nhóm CEO mới trong khu vực kinh tế tư nhân áp dụng. Đây không phải là một cử chỉ hi sinh như trong thời chiến tranh, mà là một động thái hướng đến các cổ đông trong công ty.
Người dẫn đầu xu hướng này là Lee Iacocca - CEO của Chrysler Corporation. Năm 1979, Chrysler - một trong 3 công ty ô tô lớn nhất Mỹ, đang ở trong tình trạng vô cùng tồi tệ. Sau hậu quả của cuộc khủng hoảng dầu mỏ, họ đã phải vật lộn tìm vốn để giải quyết thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng, nhu cầu về những chiếc xe nhỏ hơn và cạnh tranh gia tăng ở nước ngoài.
Lacocca đã quyết định yêu cầu chính phủ giúp đỡ. Để thể hiện quyết tâm của mình, vị CEO này đã cắt giảm lương của của bản thân xuống còn 1 USD.
Khi Chrysler nhận được 1,5 tỷ đô la từ các khoản vay liên bang và tình hình của công ty đã ổn định, Iacocca đã được xem như một ‘tấm gương tiêu biểu’ cho ‘tinh thần hi sinh’. Từ đó trở đi, mức lương 1 USD trở thành một hình thức quảng bá trong giới CEO về việc họ sẵn sàng cắt giảm lương trong thời điểm khó khăn của công ty.
Sự thật về mức lương 1 đô la
Thay vì nhận mức lương hàng trăm triệu USD, nhiều nhà đồng sáng lập và CEO chỉ nhận mức lương thấp hoặc tượng trưng là 1 USD để tránh phải đóng thuế thu nhập cao.
Tất nhiên, mức lương 1 USD không phải là thu nhập duy nhất của các CEO. Đó chỉ là một phần trong tổng gói thù lao mà họ có thể sẽ nhận được.
Ngoài tiền lương 1 USD, các CEO còn nhận thu nhập từ quyền chọn cổ phiếu, cổ phần công ty và các khoản thưởng. Thuế thu nhập từ các khoản này thường thấp hơn so với thuế thu nhập từ lương.
Kết quả hoạt động của công ty càng tốt, thì các khoản bồi thường dưới dạng cổ phiếu, vốn cổ phần và tiền thưởng sẽ càng có giá trị và ngược lại.
Điều này khiến các nhà đầu tư yên tâm hơn vì một người sẽ làm việc chăm chỉ hơn khi thu nhập gắn liền với hiệu quả hoạt động của công ty. Nhưng với các CEO nhận mức lương 1 USD, thì đây là một cuộc chơi mạo hiểm, bởi vì kết quả không đạt được mức mong đợi có thể ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của họ.
Bên cạnh đó, việc sẵn sàng nhận mức 1 USD thay vì một triệu USD cho thấy sự cống hiến và cam kết của người điều hành đối với công ty, góp phần tạo ra hình ảnh tích cực với công chúng.
Ngoài ra là vấn đề về pháp lý, các CEO phải nhận một mức lương tối thiểu cố định để phân biệt với việc làm tình nguyện. Do đó, họ thường lấy số tiền tối thiểu là 1 USD làm mức lương cho mình.
NĐ (t/h)
Cùng chuyên mục
-
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trên thị trường hàng hóa?
-
TS. Nguyễn Văn Đính: “Sức khỏe của doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang bị suy yếu”
-
TS. Sử Ngọc Khương: Hạ tầng giúp TP.HCM tăng cường kết nối vùng đầu tư
-
Thứ cần nhất hiện nay là niềm tin của doanh nghiệp...
-
6 rào cản tiêu biểu của doanh nghiệp Việt Nam