Lưu ý về việc đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan của doanh nghiệp chế xuất

23:55 03/04/2022

Pháp luật Việt Nam về chế định doanh nghiệp chế xuất đã có 40 năm nay, góp phần đáng kể vào việc thu hút tổng vốn đầu tư FDI (vốn đăng ký và vốn giải ngân) của cả nước trong từng thời kỳ phát triển kinh tế, góp phần đáng kể vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu, đến cân bằng và sang xuất siêu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn đang tồn tại nhiều vấn đề pháp lý ảnh hưởng trực tiếp đến việc thành lập và hoạt động đầu tư kinh doanh của loại hình doanh nghiệp này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Để được áp dụng quy định pháp luật đối với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan sau: a) Có hàng rào cứng ngăn cách với khu vực bên ngoài; có cổng/cửa ra, vào đảm bảo việc đưa hàng hóa ra, vào doanh nghiệp chế xuất chỉ qua cổng/cửa; b) Có hệ thống ca-mê-ra quan sát được các vị trí tại cổng/cửa ra, cửa vào và các vị trị lưu giữ hàng hóa ở tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ); dữ liệu hình ảnh ca-mê-ra được kết nối trực tuyến với cơ quan quản lý doanh nghiệp và được lưu giữ tại doanh nghiệp chế xuất tối thiểu 12 tháng; c) Có phần mềm quản lý hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế của doanh nghiệp chế xuất để báo cáo quyết toán nhập-xuất-tồn kho về tình hình sử dụng hàng hóa nhập khẩu theo quy định pháp luật về hải quan.

Về việc thành lập doanh doanh nghiệp chế xuất: Rắc rối phát sinh từ khoản 1 điều 30 Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Theo đó, doanh nghiệp chế xuất được quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan hải quan có thẩm quyền về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Trong thực tiễn bất kỳ một dự án đầu tư nước ngoài nào khi đăng ký mới đều không thể đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan nêu trên. Theo đó sẽ không đăng ký được dự án đầu tư doanh nghiệp chế xuất mới để hoàn thiện các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan. Quy định này không phù hợp quy định về hồ sơ, thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, không phù hợp với chủ trương chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; gây khó khăn cho Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư thành lập doanh nghiệp chế xuất; tăng thêm chi phí gia nhập thị trường, chi phí không chính thức của doanh nghiệp.

Để giải quyết vấn đề này, tại Nghị định 18/2021/NĐ-Cp ngày 11/3/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 134/2021/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, khoản 10 điều 1 bổ sung điều 28a về điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan và áp dụng chính sách thuế đối với doanh nghiệp chế xuất là khu phi thuế quan. Có ba trường hợp sau nhà đầu tư phải có bản cam kết về khả năng đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo Mẫu số 24 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này cho cơ quan đăng ký đầu tư, gồm: a) Trường hợp nhà đầu tư đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án đầu tư mới hoặc xác nhận bằng văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền trong trường hợp không phải thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư; hoặc b) Trường hợp nhà đầu tư đề nghị cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) hoặc xác nhận bằng văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền trong trường hợp không phải thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để thực hiện dự án đầu tư mở rộng; c) Trường hợp đăng ký chuyển đổi từ doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp chế xuất sang doanh nghiệp chế xuất. Trong thời hạn 03 ngày làm việc đối với trường hợp a) hoặc b) kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư, căn cứ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc hồ sơ đề nghị xác nhận bằng văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền trong trường hợp không phải thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và văn bản cam kết của doanh nghiệp, cơ quan hải quan xác nhận về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo cam kết của doanh nghiệp trên Mẫu số 24 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này gửi cho cơ quan đăng ký đầu tư. Trong thời hạn 10 ngày làm việc đối với trường hợp c), cơ quan đăng ký đầu tư, cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra thực tế điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan và có văn bản gửi cho cơ quan đăng ký đầu tư về việc đáp ứng hoặc không đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo Mẫu số 26 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định.

Cơ quan hải quan tiến hành cuộc tổng kiểm tra điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất: Việc kiểm tra thực tế điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo Nghị định 18/2021/NĐ-CP áp dụng đối với toàn bộ doanh nghiệp chế xuất, bao gồm doanh nghiệp đăng ký dự án đầu tư mới và toàn bộ doanh nghiệp chế xuất đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước ngày 25/4/2021 (ngày Nghị định 18 có hiệu lực thi hành), bao gồm cả các doanh nghiệp chế xuất đã được cơ quan hải quan xác nhận về điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan trước ngày 25/4/2021. Trong thời hạn tối đa không quá 01 năm kể từ ngày 25/4/2021, tức chậm nhất đến ngày 25/4/2022 doanh nghiệp chế xuất phải hoàn thiện các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan, đăng ký để Chi cục Hải quan nơi quản lý doanh nghiệp chế xuất hoàn thành kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan và ra văn bản xác nhận đủ điều kiện cho doanh nghiệp chế xuất. Trường hợp doanh nghiệp chế xuất không đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan thì không được áp dụng chính sách thuế đối với khu phi thuế quan kể từ ngày quá thời hạn 01 năm nêu trên, phải trả lại các khoản thuế chưa đóng do được hưởng quy định pháp luật đối với doanh nghiệp chế xuất.

Luật sư Bùi Văn ThànhTrưởng Văn phòng luật sư Mặt Trời Mới