Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Ban Chỉ đạo "An toàn, an ninh mạng quốc gia" về việc huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp, người dân đấu tranh, đẩy lùi các hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao, mới đây, UBND tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch số 502/KH-UBND nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền; nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tổ chức, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, doanh nghiệp; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân trong tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, tạo thành các chiến dịch tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân về kiến thức pháp luật, phương thức, thủ đoạn và các kỹ năng nhận biết, phòng ngừa hoạt động của tội phạm trên không gian mạng.
Thời gian qua, tình hình tội phạm vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến rất phức tạp. Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm các vụ việc liên tục xảy ra trên địa bàn tỉnh với số tiền thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Đa phần nguyên nhân xảy ra là do người dân chưa tiếp cận được thông tin về tội phạm. Bên cạnh đó, hoạt động mua bán dữ liệu cá nhân, thuê bao điện thoại, tài khoản ngân hàng diễn biến phức tạp là điều kiện thuận lợi để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, công tác tuyên truyền phương thức, thủ đoạn của tội phạm được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đánh giá là yếu tố then chốt giúp tạo nên một môi trường mạng trong sạch, an toàn, hạn chế hoạt động của tội phạm.
Theo đó, nội dung tuyên truyền sẽ tuyên truyền các Quy định pháp luật, các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp liên quan đến công tác bảo vệ an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao được phép tuyên truyền, không thuộc nội dung bí mật Nhà nước. Các hình thức, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên không gian mạng, tập trung vào các phương thức, thủ đoạn thường gặp. Cảnh báo, hướng dẫn người dân nhận diện các dấu hiệu của tội phạm, các biện pháp tự phòng tránh, đối phó với tội phạm trên không gian mạng. Kết quả, thành tích nổi bật, những sáng kiến hay, cách làm hiệu quả của các tập thể, cá nhân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.
Với hình thức tuyên truyền khai thác tối đa ưu thế hoạt động tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội; các hội nhóm đông thành viên để tham gia công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin nhanh chóng đến mọi đối tượng tiếp cận. Xây dựng các bài viết, phóng sự, chuyên mục về đề tài phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng, phát trên các kênh truyền thông, báo chí. Xây dựng đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hội nghị, tọa đàm… tại các ngành, các cấp, tổ chức, doanh nghiệp. Sử dụng đa dạng các hình thức như: Tạo Video Clip, phim ngắn, kịch,… để truyền tải thông điệp về đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. Biên soạn các tờ rơi, khẩu hiệu,… phòng, chống tội phạm trên không gian mạng để phát cho người dân tại các khu công nghiệp, khu dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp. Sử dụng dịch vụ nhắn tin do các doanh nghiệp viễn thông trong nước cung cấp để tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm tới khách hàng sử dụng dịch vụ.
Cụ thể, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện Chiến dịch đạt hiệu quả, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương trên địa bàn tỉnh; sự chung tay, góp sức của quần chúng nhân dân. Huy động tổng hợp lực lượng từ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; tạo lập, quản trị nhóm tuyên truyền trên các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Messenger, Viber, Telegram…; thường xuyên tương tác, chia sẻ, tạo sự loan tỏa, cộng hưởng trên không gian mạng, tiếp cận đến quần chúng nhân dân. Phối hợp với các đơn vị chức năng tranh thủ, vận động người có uy tín, ảnh hưởng trên không gian mạng để tham gia công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin nhanh chóng đến mọi đối tượng tiếp cận. Chỉ đạo lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng; tăng cường biên tập nội dung, bài viết; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh để triển khai các biện pháp tuyên truyền. Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các địa phương chủ động phối hợp cung cấp thông tin, tuyên truyền qua các kênh báo, đài, Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông. Theo dõi đề xuất biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác tuyên truyền, phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng…
Các sở, ban ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tổ chức tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao trong nội bộ đơn vị; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị và người thân nâng cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm trong tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. Phân công cán bộ làm đầu mối phối hợp, tham gia vào nhóm tuyên truyền của tỉnh do Công an tỉnh tạo lập…
Uyển Nhi